Bảo tàng Hà Nội: Tái hiện về Thủ đô ngàn năm tuổi
Cập nhật: 01/10/2010
Những ngày này, thủ đô Hà Nội tràn ngập không khí và sắc màu của lễ hội ngàn năm. Trong dịp đại lễ, hàng loạt công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được khánh thành như Công viên Hòa Bình tại Xuân Đỉnh - Từ Liêm, tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất; cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, gắn biển Đại lộ Thăng Long tại ngã tư Phạm Hùng - Trần Duy Hưng...

Trong số những công trình này, có Bảo tàng Hà Nội nằm trên đường Phạm Hùng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội, được coi là một công trình nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa độc đáo, hiện đại nhất trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam hiện nay.

 

Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội được khởi công từ ngày 19/5/2008. Theo thiết kế, hình dáng tổng thể của bảo tàng là hình "kim tự tháp ngược" giống viên kim cương với hệ thống ánh sáng chiếu về đêm sẽ trông như bông sen. Đây là dự án được thi công rất đặc biệt, thi công từ mái xuống đến móng. Đây là công trình văn hóa có yêu cầu về kiến trúc, thẩm mỹ và chất lượng công trình với kết cấu và hệ thống kỹ thuật phức tạp, sử dụng tối đa các yếu tố đa phương tiện, với một không gian đầy ắp âm thanh và ánh sáng.

 

Bảo tàng Hà Nội có tổng diện tích gần 54.000 m², cao 30,7 mét. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích sàn hơn 30.000m² trong đó khu trưng bày chính khoảng 14.000m² và khu bảo quản hiện vật khoảng 12.000m²; khu trưng bày ngoài trời, sân vườn khoảng 25.000m².

 

Tầng bốn của bảo tàng có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần, mỗi tầng trên vươn ra ngoài so với tầng kề dưới 5 m. Ðại sảnh (thường gọi là gian Khánh tiết) được thiết kế hình tròn và liên kết với các tầng trên bằng một không gian thông tầng. Ðiểm nhấn của sảnh chính là một đường dốc hình xoắn ốc nối liền cả bốn tầng, một hệ thống thang máy được đặt ở đầu và cuối đường dốc. Tầng hai và ba dành cho trưng bày. Tầng bốn là phòng họp, hội thảo, nghiên cứu, thư viện, bảo quản, sưu tầm. Tại các mặt đứng của bảo tàng sẽ trang trí hoa văn cổ truyền của Việt Nam.

 

Hiện vật được trưng bày một cách sinh động và hấp dẫn theo hình vòng xoáy. Ở trung tâm là hình tượng Rồng, xung quanh là các chủ đề con người, địa danh, vật thể, sự kiện. Nội dung trưng bày sẽ tập trung vào 3 đặc điểm chính của Thủ đô Hà Nội là Văn hiến, Anh hùng và Hòa bình. Từng hiện vật sẽ có hệ thống thông tin giới thiệu trong một kịch bản trưng bày xuyên suốt.

 

Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nội dung trưng bày giai đoạn 1 của bảo tàng. Đúng sáng ngày 6/10/2010, Bảo tàng Hà Nội sẽ được cắt băng khánh thành giai đoạn I và 50.000 hiện vật sẽ được trưng bày, ghi đậm những dấu ấn lịch sử, văn hóa, kiến trúc, minh chứng cho sự hình thành và phát triển của Hà Nội. Bảo tàng được coi là nơi tái hiện bề dày 1000 năm lịch sử Thủ đô một cách toàn diện.

 

Theo đó, tầng 1 sẽ trưng bày mô hình cột chạm hình rồng thời Lý, các hiện vật thời Lý - Trần - Lê; ảnh, tư liệu khoa học về Thăng Long thời Đại Việt và cổ vật phát hiện ở khu vực Hoàng thành Thăng Long.

 

Ngoài ra, khu vực khánh tiết sẽ được bố trí hai màn chiếu lớn, chiếu các đoạn phim 3D về thiết kế ý tưởng trưng bày tổng thể và quá trình triển khai xây dựng công trình Bảo tàng Hà Nội, hai màn hình máy tính giới thiệu phương án kiến trúc công trình do Liên danh tư vấn GMP-ILAG (Đức) lập và nội dung hồ sơ thiết kế trưng bày tổng thể Bảo tàng Hà Nội do Công ty Story Inc. (New Zealand) thực hiện.

 

Tầng 2 trưng bày về Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long với điểm nhấn là trống đồng Cổ Loa và hình ảnh về 3 vòng thành Cổ Loa thời An Dương Vương.

 

Trên tầng 3 và tầng 4 sẽ trưng bày 10.000 cổ vật được tuyển lựa từ các bộ sưu tập cá nhân gồm những hiện vật gắn liền với Thủ đô, có những cổ vật là độc bản thể hiện sự phát triển văn hóa văn minh của dân tộc Việt...

 

Nhân dịp này, một festival cây cảnh nghệ thuật cũng sẽ được tổ chức ở khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng.

 

Đến tham quan bảo tàng, nhân dân Thủ đô, đồng bào cả nước và du khách quốc tế sẽ được giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Qua những cổ vật, hiện vật, người xem như thấy lại được những câu chuyện hấp dẫn về mảnh đất hào hùng Thăng Long nghìn năm văn hiến.

 

Phương Anh (Tổng hợp)