Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước mà còn là mảnh đất lưu giữ trong mình nhiều di tích văn hóa lịch sử ghi lại những thời khắc trọng đại của dân tộc. Chính vì vậy, Cách mạng tháng Tám 1945 và những huyền thoại về sự kiện quan trọng này vẫn còn vang vọng mãi trong đời sống của mỗi con người trên đất nước chúng ta. Đó là những câu chuyện gắn liền với những di tích như: Nhà số 48 phố Hàng Ngang, Quảng trường Ba Đình, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Cột cờ Hà Nội… Những địa danh này đã góp phần làm nên một Hà Nội nghìn năm văn hiến trong con mắt bạn bè thế giới và khu vực.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng tháng Tám 1945 được đánh dấu bởi sự kiện trọng đại diễn ra ở trung tâm Hà Nội vào sáng ngày 19/8/1945. Tại Quảng trường Nhà Hát Lớn, những chiến sĩ Việt Minh cùng người dân Thủ đô trong không khí sục sôi cách mạng đã tham gia mít tinh, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945. Trước đó, quảng trường từng là nơi tổ chức mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh ngày 17/8/1945 và sau đó lễ ra mắt đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ngày 29/8/1945... Để kỉ niệm những sự kiện có tính chất quyết định này, Quảng trường Nhà Hát Lớn về sau đã được đổi tên thành Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám là một quần thể mang hình thái nút không gian thành phố. Xung quanh quảng trường có những công trình kiến trúc hiện đại như Nhà hát Lớn Hà Nội, Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam, Khách sạn Hillton... Vào buổi tối, khi ánh đèn điện bừng sáng lung linh, Nhà hát Lớn Hà Nội trở nên lộng lẫy, kiêu sa cùng những bậc thềm chạy dài trước mặt tạo cho Quảng trường Cách mạng Tháng Tám có một không gian lắng đọng, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Thủ đô.
Gần một thế kỷ trôi qua, biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, cùng với Thăng Long văn hiến, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám vẫn giữ nguyên giá trị lớn về lịch sử văn hóa - là bằng chứng của sự phát triển văn hóa - xã hội của Hà Nội và Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.
Nhà số 48 Hàng Ngang
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 24/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội và ở tại Phú Gia. Ngày 25/8, Tổng bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Phú Gia đón Bác về ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô, thương gia tiến bộ đã theo Việt Minh.
Tại tầng gác hai của ngôi nhà - phòng ăn của gia đình chủ nhà trước đây - đã được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí trong Thường vụ. Căn phòng rộng chừng 60m2, chính giữa phòng là một chiếc bàn hình chữ nhật có kích thước lớn bằng gỗ màu cánh gián sẫm, 8 chiếc ghế tựa đệm mềm bọc nỉ xanh phủ trắng. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp với Thường vụ Trung ương Đảng để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ Lâm thời trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa. Hiện nay trên tường cạnh cửa ra vào của ngôi nhà có gắn tấm biển đá trắng với dòng chữ vàng: “Trong ngôi nhà này, tại một phòng gác nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Căn nhà này là điểm di tích lịch sử cho khách tham quan trong và ngoài nước tìm hiểu về lịch sử ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập.
Đến thăm di tích, chúng ta sẽ được thấy tận mắt những đồ dùng từ bàn, ghế đến chiếc giường đơn sơ và chiếc máy đánh chữ Bác từng sử dụng. Ngoài những hiện vật lưu niệm gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám còn có một phòng lớn trưng bày chuyên đề Bác Hồ với thủ đô Hà Nội. Phòng trưng bày đã giúp khách tham quan hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất có phong cách sống giản dị như cuộc sống của một người lao động.
Quảng trường Ba Đình
Cách đây 65 năm, tại Quảng trường Ba Đình, hàng chục vạn người dân Việt Nam đã chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc – ngày Tuyên bố Độc lập 2/9/1945. Quảng trường Ba Đình là dấu ấn lịch sử không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người con Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, với tư cách là người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Sau hơn nửa thế kỷ, địa điểm lịch sử này có thêm Hội trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng mang tên Người và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã trở thành một cái tên quen thuộc và thiêng liêng, một niềm tự hào không chỉ của nhân dân Thủ đô, mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Đến nay, Quảng trường Ba Đình vẫn là nơi diễn ra các sự kiện lớn của đất nước.
Cột cờ Hà Nội
Là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ, Cột cờ Hà Nội cũng là một biểu tượng thiêng liêng của mảnh đất Thăng Long, Hà Nội. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay phấp phới ở nơi đây. Sau cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ chống Pháp của dân tộc, ngày 10-10-1954 Hà Nội được giải phóng, lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam lại tiếp tục kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Cột cờ cho đến ngày nay.
Đứng trên đỉnh cột nhìn ra chúng ta sẽ thấy một Hà Nội thanh bình yên ả, cổ kính bên khu thành cổ, bên khu di tích Lăng Bác Hồ và nhà Bảo tàng Lịch sử Quân sự ngay dưới chân cột cờ. Chúng ra cũng thấy một Hà Nội nhộn nhịp, tất bật dưới những con đường, con phố xung quanh... Gần hai thế kỷ kể từ khi được xây dựng, Cột cờ Hà Nội vẫn bề thế, hiên ngang đứng đó chứng kiến những nét thăng trầm cùng thủ đô, đất nước. Kể từ khi đất nước hoàn toàn độc lập, bước vào giai đoạn đổi mới, xây dựng, hợp tác, phát triển nơi đây đã trở thành một địa điểm tham quan du lịch quan trọng trong quần thể khu di tích thành cổ Hà Nội, thường xuyên đón khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Những di tích cách mạng trên đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Đó là những “địa chỉ đỏ” góp phần quan trọng làm nên một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ 20. Những trận đánh oanh liệt, những chiến công lừng lẫy đã lui vào lịch sử, song những di tích đó vẫn chói đỏ, vẫn rực rỡ như những đoá hoa, luôn nhắc nhở và khích lệ người Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hoà bình, văn minh, hiện đại.
Phạm Phương biên tập