Ngày 2/9/1945, giữa quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 2/9, mỗi người Việt Nam dù đang ở bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động, bồi hồi khi nhớ lại công lao to lớn của Bác trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Dù Bác đã đi xa nhưng hàng năm vẫn có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh để tỏ lòng thương nhớ, biết ơn đối với người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên địa phận phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, nhìn ra đường Hùng Vương và quảng trường Ba Đình. Khu di tích hiện có khoảng hàng vạn hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau liên quan đến cuộc đời cũng như quá trình hoạt động cách mạng của Người. Theo tính chất của các công trình kiến trúc, khu di tích được chia thành ba khu vực: khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo tàng Hồ Chí Minh.
Khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội từ năm 1954 đến năm 1969. Khu di tích có khoảng 1456 hiện vật, trong đó đang trưng bày 759 hiện vật. Trong khu di tích, nhà sàn gỗ là nơi Bác sống và làm việc trong khoảng thời gian dài nhất, từ giữa 5/1958 đến 1969. Đây là kiểu nhà sàn được chính Bác lựa chọn sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Nhà gồm 2 tầng được làm bằng gỗ dổi, mái lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Tầng dưới nhà sàn kê một bộ bàn ghế lớn, là nơi Bác họp, trao đổi công việc và tiếp khách. Tầng trên nhà sàn có hai phòng là phòng làm việc và phòng ngủ. Diện tích mỗi phòng hơn 10m². Phòng làm việc có một bàn, một ghế, một giá sách được đặt vào vách ngăn giữa hai phòng. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt là bản Di chúc lịch sử. Phòng ngủ có chiếc giường gỗ trải chiếu cói, mùa đông có thêm tấm đệm, chăn bông và một lò sưởi điện nhỏ. Hiện nay gần 250 tài liệu, hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau ở nhà sàn vẫn được giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc.
Trước nhà sàn là ao cá rộng hơn 3.000m², nuôi nhiều loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, rô phi... Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường ra cầu ao cho cá ăn. Cùng với ao cá tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình là vườn cây rộng hơn 65.000m² với hệ sinh thái thực vật phong phú và đa dạng. Các loài cây ở đây được trồng xen kẽ nhau tạo nên những nét chấm phá, làm tăng sự hấp dẫn sinh động của cảnh quan. Trong vườn có đường Xoài là nơi Bác thường tập thể dục vào mỗi buổi sáng và đi bách bộ sau giờ làm việc buổi chiều và giàn hoa Phủ Chủ tịch được Bác coi như một phòng khách đặc biệt, nên thường tiếp khách trong nước, ngoài nước thân tình tại đây vào những ngày đẹp trời.
Ngoài ra, khu di tích còn có một số điểm di tích khác như nhà 54 là nơi Bác sống và làm việc từ 12/1954 đến giữa 5/1958; nhà 67 là nơi Bác làm việc từ năm 1967 đến 1969, nơi Bác chữa bệnh và qua đời; nhà bếp; nhà để hai chiếc xe ôtô mà Bác đã từng sử dụng; Phủ Chủ tịch; Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh. Hiện nay, Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính phủ vẫn là nơi làm việc của cơ quan Nhà nước. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch mở cửa các ngày trong tuần, trừ chiều thứ hai và thứ sáu. Mùa hè từ 7h30 đến 11h và từ 14h đến 16h. Mùa đông từ 8h đến 11h và từ 13h30 đến 16h.
Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1).
Nằm ngay bên cạnh khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay còn gọi là lăng Bác. Đây là nơi đặt thi hài của Bác, được chính thức khởi công ngày 2/9/1973 và hoàn thành ngày 29/8/1975. Lăng được xây dựng trên nền lễ đài cũ của quảng trường Ba Đình với chiều cao 21,6m, chiều dài 320m, chiều rộng 100m, gồm 3 lớp trong đó lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là phòng thi hài được ốp những cột vuông bằng đá hoa cương quanh bốn mặt và lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính của lăng có dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín. Trong lăng là thi hài Bác mặc bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân để một đôi dép cao su đặt trong hòm kính trong suốt. Phía trước và sau lăng trồng 79 cây vạn tuế tượng trưng cho 79 năm cuộc đời của Bác. Là một nơi trang nghiêm nên lăng được bảo vệ rất cẩn mật. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa các buổi sáng thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ bảy và chủ nhật. Mùa hè từ 7h30 đến 10h30. Mùa đông từ 8h đến 11h. Các ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật mở cửa thêm 30 phút. Hàng năm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào tháng 10 và tháng 11.
Điểm đến cuối cùng trong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là bảo tàng Hồ Chí Minh với tổng diện tích 13.000m², trong đó diện tích trưng bày là 4.000m². Bảo tàng được thiết kế bởi nhóm họa sĩ của Liên hiệp trang trí mỹ thuật Mátxcơva cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học Việt Nam trên các lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử, bảo tàng. Gian mở đầu của bảo tàng với diện tích 360m² khái quát nội dung trưng bày của bảo tàng về Bác. Chính giữa gian là tượng Bác bằng đồng, phía sau tượng là hình tượng mặt trời và cây đa cổ thụ, tượng trưng cho ánh sáng và sự trường tồn. Giữa sàn là một hình vuông với những bông hoa ghép bằng đá là hình tượng đất nước Việt Nam. Qua gian mở đầu là bắt đầu phần trưng bày chính của bảo tàng với ba nội dung gắn bó chặt chẽ.
Phần thứ nhất: Trưng bày về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Bác từ thời niên thiếu, quá trình hoạt động cách mạng đến khi Bác qua đời và nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Bác.
Phần thứ hai: Trưng bày về cuộc sống, chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam thực hiện đường lối giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Bác và Đảng.
Phần thứ ba: Trưng bày về một số sự kiện chính của lịch sử thế giới từ cuối thế kỷ 19 đến nay, ảnh hưởng đến hoạt động của Bác và quá trình cách mạng Việt Nam.
Bảo tàng Hồ Chí Minh mở cửa các ngày trong tuần, trừ thứ hai và chiều thứ sáu. Giờ mở cửa từ 8h đến 11h30 và từ 14h đến 16h. Hàng năm bảo tàng đóng cửa để tu bổ kỹ thuật định kỳ vào tháng 10 và tháng 11.
Thúy Hằng