Về với Ba Vì, chúng ta như tìm về với cội nguồn, với truyền thống tín ngưỡng tâm linh của dân tộc bởi nơi đây, từ ngàn xưa đã đuợc coi là tổ Sơn của cả nước.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của sử thần Ngô Sĩ Liên có viết: “Núi Tản Viên là dãy núi cao nhất của nước Đại Việt ta. Nơi ấy là nơi linh thiêng và ứng nghiệm bậc nhất trong lòng dân tộc”. Nguyễn Trãi trong sách Dư Địa Chí có nói: “Núi ấy là núi Tổ của nước Việt ta đó”. Ngoài ra còn có rất nhiều tư liệu, nhiều tích truyện kể về sự linh nghiệm của dãy núi Tổ. Núi Ba Vì hiện nay đã được nhà nước quy hoạch là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh quan trọng của cả nước vì đây là nơi ngự trị muôn đời của Thánh Tản Viên Sơn Tinh, vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Chùa Tản Viên có tên hiệu đầy đủ là "Tản Viên Sơn Quốc Tự", là một ngôi chùa cổ có từ ngàn xưa. Ngôi chùa hiện nằm trong khu quần thể di tích quốc gia Đền Trung, ở sườn Tây dãy núi Ba Vì thuộc địa phận xã Minh Quang, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Xưa kia, ngôi chùa chỉ là một am nhỏ được nhân dân dựng lên để thờ Phật. Dưới thời nhà Lý, ngôi chùa đã được nâng cấp cùng với quần thể di tích lịch sử Đền Trung. Nhưng sang thời Hậu Lê, ngôi chùa đã xuống cấp và trở thành một phế tích. Qua thời nhà Nguyễn, cuối thế kỷ 17, ngôi chùa lại được nhân dân chuyển về khu đất mới trước cửa đền Trung. Tới năm 1993, phật tử Vương Thị Nhật đã xin phép các cấp chính quyền và vận động nhân dân góp công tu sửa lại chùa.
Đầu năm 2008, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây đã bổ nhiệm Đại đức Thích Đạo Thịnh về trông nom, trụ chì và hoàng dương Phật Pháp tại vùng đất được coi là Tổ Sơn của nước Việt Nam.
Được khởi công vào ngày 12 tháng 1 năm 2009, trải qua 14 tháng xây dựng, ngôi Đại Hùng Bảo Điện của Chùa Tản Viên chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 5 – 6/ 6/ 2010.
Với tổng diện tích quy hoạch khoảng trên 20.000m2, chùa Tản Viên được xây dựng theo kiến trúc “Nội Công Ngoại Quốc", có Tả Vu, Hữu Vu, Tiền Phật, Hậu Tổ, cuối Tăng Đường... và khu Nội Viện. Chùa Tản Viên là nơi nghiên cứu, học tập, tu hành chính pháp, và là nơi các tín đồ Phật tử và nhân dân cả nước đến chiêm bái.
Trên đường vào khu Nội Viện, phía bên tả chùa là "Long Tỉnh Tuyền" (giếng Rồng Tiên). Khi vừa trấn tích xây dựng ngôi chùa, vì không có nước, Đại Đức trụ trì Thích Đạo Thịnh đã làm lễ xin một nguồn nước tịnh để dâng lên Tam Bảo. Đêm đến Đại Đức đã được thần nhân báo mộng, chỉ cho nơi đào giếng. Quả thực giếng vừa đào được hơn 3m thì thấy một mạch nước lớn trong xanh tuôn trào. Kể từ đó, dù vào mùa khô, giếng cũng không bao giờ cạn. Đầu xuân du khách về trẩy hội thường xin nước ấy về tẩy trần nhà cửa để cầu may và cầu an.
Đi hết khu giếng Rồng Tiên là tới Suối Quan Âm. Con suối này bắt nguồn từ đỉnh Núi Mẹ và chảy qua sườn núi Chàng Rể. Dự kiến, trong khuôn viên khu suối sẽ được đặt 500 tôn tượng A La Hán để nhân dân và tín đồ phật tử thập phương về chiêm bái và cầu phúc.
Qua Suối Quan Âm là khu Nội Viện, với diện tích khoảng 6ha, được quy hoạch các công trình lớn mang tầm cỡ quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học cho nhân dân và các tín đồ Phật tử thập phương.
Ngôi Đại Hùng Bảo Điện có diện tích 500m2, được xây dựng theo lối kiến trúc “Cổ - Kim kết hợp” khác hẳn với lối kiến trúc chùa phổ biến của miền Bắc. Chùa được xây cao, thoáng, đằng trước hai cổ tám mái, đằng sau ba cổ chồng diêm mười hai mái. Bên trong chùa được bày trí 3 pho tượng lớn. Ngự Chính điện là Tôn tượng Đức Phật Thích Ca cao 7,88m. Đây là Tôn tượng bằng gỗ mít lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Bên tả Chính điện là Tôn tượng Bồ tát Phổ Hiền. Bên hữu Chính điện là Tôn tượng Bồ tát Văn Thù. Cả hai pho tượng này đều được tạc bằng gỗ mít và có chiều cao 3,5m. Hai bên tả và hữu phía trước chùa là Tháp Chuông và Tháp Trống. Lối bài trí, thờ tự như vậy càng làm tôn thêm vẻ uy nghiêm, tráng lệ của ngôi chùa.
Phía trước Chính điện là Động Quan Âm thiên tạo. Tương truyền nơi đây chính là nơi mà Bồ Tát Quan Âm đã tu hành và truyền đạo cho Tam vị tối linh thần Tản Viên Sơn Thánh (Nguyễn Tuấn, Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiền)
Phía sau Chính điện là hòn non bộ với hình "Thần Kim Quy Hai Đầu Bái Phật Cầu Kinh", một công trình rất đáng để thưởng lãm.
Phía sau hòn non bộ là Nhà thờ Tổ, Tịnh Thất, Trai Đường, Nhà Trù, Vường Lâm Tỳ Ni, Tuyết Sơn Khổ Hạnh Lâm, Vườn Lộc Uyển, Rừng Sa La Song Thọ...tổng diện tích khoảng 1.000m2.
Đại Đức Thích Đạo Thịnh, trụ trì chùa Tản viên cho biết, tại khu đất nội điện của chùa sẽ tiến hành tôn tượng bức tượng Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai cao 18m trên nền một hòn Sa Thạch cao hơn 13m. Tổng chiều cao của Tôn Tượng nếu tính cả phần sa thạch sẽ lên tới 32m, đây sẽ là Tôn tượng Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai đầu tiên và lớn nhất thế giới. Theo dự kiến, ngày khánh thành Tôn tượng cũng là ngày diễn ra đại lễ cung nghinh Xá lợi Phật an trí tại Chùa.
Năm 2007, Chùa Tản Viên đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Phương Mai (Biên tập)