Thăng
Long – Hà Nội đã đi qua 1000 năm tuổi, người dân Thủ đô luôn mang trong mình
niềm tự hào về truyền thống văn hiến của kinh thành Thăng Long xưa. Để có được
truyền thống tự ngàn đời ấy, người dân Hà Nội hôm nay không bao giờ quên những
truyền thuyết về các vị thần trấn giữ 4 hướng đông – tây – nam – bắc mà dân
gian quen gọi là “Thăng Long Tứ trấn”.
Đó là bốn vị thần: thần Long Đỗ thờ ở
đền Bạch Mã, thần Linh Lang thờ ở đền Voi Phục, thần Cao Sơn thờ ở đền Kim Liên
và thần Trấn Vũ thờ ở đền Quán Thánh. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của
lịch sử, Tứ trấn vẫn trường tồn cùng thời gian, tạo nên ý nghĩa và giá trị của
mảnh đất kinh kỳ.
Thần Long Đỗ - trấn giữ phía đông – được thờ ở
đền Bạch Mã (tọa lạc tại 76 Hàng Buồm,
Hoàn Kiếm). Ông là vị thần thiêng, được dân chúng thời xưa ở Thăng Long rất tôn
sùng. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho dời đô, từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long
và muốn mở rộng thành. Vua đã cho đắp thành nhưng hễ đắp lên lại bị sụp đổ. Vua
cho người đi hỏi dân chúng mới biết ở đất này có hiển linh từ trước, vua bèn
sai biện lễ cầu đảo. Đêm ấy vua nằm mộng gặp thần tới chúc mừng và dặn nhà vua
rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp, tất sẽ thành công, ngay lúc đó, vua nhìn thấy
một con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất. Hôm sau, nhà vua thấy có dấu
chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà
xây thành, đắp lũy, thành sau khi được xây xong rất chắc chắn, vững chãi. Để
tưởng nhớ công ơn của thần, nhà vua cho tạc một con ngựa trắng để thờ và ban
sắc phong cho thần là “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Từ đấy ngựa trắng là
một biểu tượng thiêng liêng và đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) có tên từ đó.
Tại đền Bạch Mã, hiện còn lưu giữ nhiều
di vật cổ có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng... Hàng năm, để tưởng nhớ thần Long
Đỗ, vào ngày 12 và 13/2 âm lịch, đền Bạch Mã tổ chức lễ hội với những nghi
thức tế lễ cùng một số hoạt động văn hóa khác như: hát ca trù, hát chèo, ngâm
thơ, múa kiếm, múa đao…
Trấn
phía tây kinh thành là thần Linh Lang
Đại Vương được thờ trong đền Voi
Phục. Nằm trong khuôn viên của Công viên Thủ Lệ, thuộc địa phận phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, đền được xây dựng
vào đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072).
Theo thần tích kể rằng, thần Linh Lang (con rồng) là
do bà Hoàng phi
họ Nguyễn (vợ Vua Lý Thánh Tông) sinh ra. Khi quân Tống sang xâm lược bờ cõi
nước ta, lúc đó Linh Lang đã lớn, có đủ sức khỏe, chàng xin vua cha ban quân và
hai thớt voi để đi đánh giặc. Khi voi đến, Linh Lang bắt voi quỳ xuống, voi
liền quỳ xuống rồi đưa chàng và các tướng sỹ ra trận. Trong một lần giáp chiến
với quân giặc trên phòng tuyến sông Cầu, Linh Lang đã hy sinh. Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho Hoàng tử là Linh Lang Đại vương, lập đền thờ và cho tạc hai con voi đá nằm phủ phục
trước cửa đền. Vì vậy, người dân đến đây chiêm bái quen gọi là đền Voi Phục.
Hiện nay, trong đền Voi Phục còn có hai pho tượng đồng, một hòn đá
thiêng có vết lõm, câu đối - ca ngợi công đức của vị thần trấn giữ phía
tây của Thăng Long – Hà Nội... Hằng năm, để tưởng nhớ thần Linh Lang, cứ đến ngày 9, 10 và 11/2 âm lịch, nhân dân ở đây lại tổ chức lễ hội đền Voi Phục. Đây là hội rước lớn với cờ quạt, chiêng
trống, lọng, tàn, tán nối nhau thành hàng dài cùng phường bát âm và đội sênh
tiền rất nhộn nhịp.
Trấn
phía nam kinh thành Thăng Long là Đền
Kim Liên. Trước đây, đền thuộc địa
phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức,
nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đền vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương. Theo tài liệu lưu
giữ tại đền, đền này được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tổ, ngay khi Hoàng
đế rời đô tới Thăng Long với mục đích bảo vệ kinh thành mới ở hướng nam. Sau
này, vào đời nhà Lê, quân đội của Lê Tương Dực từ Thanh Hóa được cử về Thăng
Long để lật đổ Lê Uy Mục (năm 1509) đã đi qua đây, thấy đền thờ Cao Sơn Đại
Vương liền vào xin phù hộ. Sau đó một tuần, sự nghiệp của Lê Tương Dực thành
công. Vị vua này liền cho xây lại đền Kim Liên với kiến trúc như hiện nay.
Ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình này còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu, và thờ
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di vật quan trọng nhất tại đền Kim Liên là tấm bia đá đen có
khắc “Cao sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 nói
về công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ
tay ngoại thích và hệ thống 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, trong
đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng, mười ba đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất trong số
đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620).
Để tưởng nhớ công lao của thần Cao Sơn, ngày nay, đền Kim
Liên thường tổ chức lễ hội vào hai ngày 15 - 16/3 và lễ hội chính là ngày 16/3
âm lịch hàng năm (ngày sinh của Thần).
Từ
hướng đền Bạch Mã về Hồ Tây, bên đầu đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) là
ngôi đền lớn tọa lạc bên hồ Trúc Bạch, đó là đền Quán Thánh thờ Huyền
Thiên Trấn Vũ - vị thần trấn giữ hướng bắc kinh thành. Theo truyền thuyết,
Ngài có nguồn gốc từ phương Bắc, đã hiển linh ở nước Nam giúp vua Hùng đánh giặc, giúp nhân
dân trừ tà ma và chống hạn.
Trong đền Quán Thánh có nhiều di vật cổ có giá trị, một
trong số đó là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ. Trước kia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ
được làm bằng gỗ. Năm 1677, đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc sai đình thần là
Nguyễn Đình Luân trùng tu đền Quán Thánh. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cũng được
triều đình cho đúc lại bằng đồng đen. Tượng cao 3,07m, chu vi 8m, nặng 4 tấn.
Tượng thần được đặt ở hậu cung. Tượng có khuôn mặt vuông, râu dài, tóc xõa, mặc
áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn
quấn và chống lên lưng một con rùa.
Cũng như những ngôi đền khác, đền Quán Thánh là nơi sinh
hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay.
Như
vậy, Thăng Long Tứ trấn được tạo dựng, tôn thờ cùng lúc với việc Lý Công Uẩn
xây dựng Thăng Long thành kinh đô muôn đời của con cháu Đại Việt. Đó là cách mà
vị vua anh minh cùng vương triều nhà Lý dùng để tôn vinh mảnh đất linh thiêng
của cha ông. Thăng Long – Hà Nội cũng vừa đi qua 1000 năm tuổi, Tứ trấn của
kinh thành xưa vẫn vững vàng, trường tồn với thời gian để chứng kiến quá trình
phát triển không ngừng của thủ đô và đất nước.
Phạm Phương biên tập