Lễ hội Hạt lúa quê tôi
Cập nhật: 03/12/2010
Trong ba ngày 10, 11 và 12 tháng 12, Làng du lịch Bình Quới sẽ tổ chức “Lễ hội Hạt lúa quê tôi”, tại Khu du lịch Bình Quới 1, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ hội bao gồm nhiều chương trình đặc sắc như Chương trình Ẩm thực; Tái hiện cảnh quê và chợ quê; Các trò chơi dân gian; Biểu diễn nghệ thuật dân gian; Hoạt động của một số làng nghề truyền thống.

                   Làng du lịch Bình Quới      
Chương trình Ẩm thực sẽ giới thiệu các món ăn và đồ uống được chế biến từ lúa gạo. Tại đây, các đầu bếp hàng đầu của Bình Quới và nghệ nhân một số vùng miền sẽ giới thiệu khoảng 100 món ăn làm từ lúa gạo. Trong đó, thực khách sẽ được thưởng thức đặc sản của một số địa phương trong nước như món hủ tiếu Sa Đéc của Đồng Tháp, các món ngon từ Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… Đời sống thời khẩn hoang của người Nam Bộ sẽ được tái hiện qua những món ăn được làm nên từ hạt lúa quê hương.  

Chương trình giới thiệu cảnh quê và chợ quê sẽ tái hiện lại qui trình sản xuất và buôn bán lúa gạo của người nông dân qua bao đời nay. Ở đây, người xem sẽ bắt gặp hình ảnh người nông dân với những hoạt động quen thuộc như cày bừa, gieo cấy, gặt đập, phơi phóng… để làm nên hạt lúa, hạt gạo. Người xem còn được biết đến cảnh sinh hoạt của người nông dân ở những ngôi chợ quê Nam Bộ với hình ảnh "buôn gánh bán bưng", với các hàng quán rong và người mua kẻ bán tấp nập...  

Lễ hội cũng sẽ sưu tầm và giới thiệu các trò chơi dân gian của nhân dân ta từ xa xưa như: bịt mắt đập niêu leo cột mỡ, đi cầu thăng bằng, thẩy banh ngựa, nhảy sạp, đi cà kheo, đã sâu, đá cá, chơi các lọai cờ, viết thư pháp, lắc bầu cua, đuổi bọ, thảy vòng cổ vịt, bắn súng, coi bóng bắt hình dong... Ngoài ra, các nghệ nhân cũng sẽ hướng dẫn du khách làm một số đồ chơi thủ công như: nặn tò he, làm thuyền, đồ chơi làm bằng lá dừa nước, tre, trúc; nặn tượng bằng đất sét, tô màu, thổi bong bóng xà phòng bằng ống đu đủ…  

Đặc biệt vào lúc 19 giờ đến 20 giờ 30 sẽ diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như dân ca Nam Bộ, đàn ca tài tử, cải lương, hát bội...  

Tại Lễ hội năm nay, Ban tổ chức cũng giới thiệu hoạt động của một số làng nghề truyền thống của Việt Nam và qui trình sản xuất ra sản phẩm thủ công của một số địa phương như: đan rổ, làm cần xé, làm thúng, dệt chiếu, chằm nón, làm đồ gốm, nấu rượu, làm đậu hũ, tráng bánh tráng, bánh phồng, làm bún, bánh hỏi, chọt cốm dẹp, đan lưới,...  

Các hoạt động của Lễ hội diễn ra từ 17 giờ đến 22 giờ, với giá vé: 220.000 đồng /người lớn và 120.000 đồng/ trẻ em.

Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp