Đà Nẵng đã và đang phát triển du lịch theo 3 hướng: Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch đường biển là khâu đột phá để tạo nên gói sản phẩm độc đáo thu hút du khách quốc tế và nội địa...
Du lịch đường biển: Khâu đột pháĐà Nẵng là thành phố cảng biển được hình thành từ hàng trăm năm nay, nằm ở vị trí trung độ đất nước, có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển du lịch đường biển. Cảng Đà Nẵng nằm trong hải trình du lịch đường biển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khoảng cách từ Đà Nẵng đến Manila (Malaysia) là 720 hải lý, Đà Nẵng – Singapore: 960 hải lý, Đà Nẵng – Hồng Kông 550 hải lý, Đà Nẵng - Nhật Bản: 2.340 hải lý. Cảng Đà Nẵng có độ sâu 15 – 20m, với hệ thống đê chắn sóng bao quanh, được bán đảo Sơn Trà bao bọc như bức tường thành chống giông bão từ ngoài khơi, là địa điểm lý tưởng tiếp nhận nhiều tàu du lịch trọng tải lớn trong suốt thời gian cả 4 mùa. Thương hiệu cảng Đà Nẵng đã quen thuộc và có tín nhiệm với khách hàng trên toàn thế giới từ nhiều năm nay.
Về tiềm năng du lịch biển, bờ biển Đà Nẵng với nhiều bãi biển đẹp nằm rải rác từ phía bắc đến phía nam như: Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước… trong đó có nhiều bãi tắm đã được du khách quốc tế biết đến là nơi nghỉ dưỡng, thư giãn, tắm biển lý tưởng nhất khu vực Đông Nam Á.
Biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) bình chọn là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, với những khu du lịch sinh thái Bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Núi Chúa, Hải Vân đệ nhất hùng quan, có nhiều địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng cùng nhiều khu nghỉ dưỡng, resort plaza Hotel Furama, Silver Shores, Olalani, Hoàng Anh Gia Lai… rất sang trọng. Đà Nẵng nằm ở trung tâm của tam giác di sản văn hoá thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, rất thuận tiện trong việc xây dựng các chương trình du lịch cho khách tàu biển đi và về trong ngày. Hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, đường thủy từ Đà Nẵng đến các di sản văn hóa thế giới trong khu vực đang từng bước ngày càng mở rộng và hoàn thiện hơn, đường hầm Hải Vân, đường đến khu đền tháp Mỹ Sơn… đã được hoàn thành là những điều kiện hết sức thuận lợi góp phần thúc đẩy du lịch đường biển phát triển. Đà Nẵng đang là điểm trung chuyển lượng lớn du khách cả nước và quốc tế vào khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Cảng Đà Nẵng là một trong những cảng lớn của cả nước, có mức nước sâu phù hợp, thường xuyên đón những chuyến tàu container chuyên dụng phục vụ cho phát triễn kinh tế địa phương và khu vực. Cảng Đà nẵng trong nhiều năm qua có tốc độ tăng trưởng cao, đáp ứng yêu cầu cảng trung chuyển, là điểm cuối cho hàng hóa của tuyến hàng lang kinh tế Đông Tây nối liền 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Ngoài ra Cảng Tiên Sa ngày càng trở nên tấp nập đón đưa những chuyến tàu du lịch của bạn bè khắp năm châu đến thăm thành phố.
Triển vọng của Du lịch biển Đà Nẵng
Số lượng tàu biển cập cảng Đà Nẵng tăng nhanh qua từng năm, tốc độ tăng bình quân về lượng khách du lịch tàu biển đạt 22% mỗi năm. Riêng năm 2009 Đà Nẵng đón được 44 tàu du lịch biển với 30.097 khách quốc tế. Trong năm nay, lượng khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng là 48 tàu du lịch với 32.742 khách, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chuyên ngành du lịch đạt hơn 1.275 tỷ đồng, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch 3.116 tỷ đồng.
Đà Nẵng hiện có 04 đơn vị lữ hành thường đón tiếp và phục vụ khách du lịch tàu biển là Chi nhánh Saigontourist, Chi nhánh Công ty Tân Hồng, Chi nhánh OSC (Huế) và Công ty Xuyên Á. Về chương trình tour tuyến dành cho khách tàu biển, hiện nay các Công ty lữ hành thường khai thác các tour Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng - Hội An (ăn trưa tại Huế, Hội An); các tour tham quan Đà Nẵng và chương trình xe buýt con thoi đưa khách từ Cảng Tiên Sa đến trước Nhà hát Trưng Vương. Các điểm tham quan và loại hình du lịch được du khách lựa chọn trong chương trình tại Đà Nẵng là Bảo tàng Chàm, Ngũ Hành Sơn, làng đá Non Nước, bãi biển Non Nước, Mỹ Khê, Bảo tàng Quân khu V, chùa Tam Bảo, Ngũ Hành Sơn, Linh Ứng… đi City tour bằng xích lô, mua sắm tại trung tâm thành phố (chợ Hàn), tranh thêu XQ, ...
Để thu hút khách du lịch tàu biển, ngành du lịch Đà Nẵng đang tích cực phát triển các tour tuyến du lịch mới, xây dựng các điểm đến và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách tàu biển. Thành phố đã thành lập Đội Xích lô du lịch phục vụ chương trình City tour tham quan thành phố được khách tàu biển đánh giá cao. Nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm tham quan du lịch của thành phố như Bảo tàng Chàm, Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân. Ngoài các tour tuyến tham quan các di sản văn hóa thế giới, các đơn vị lữ hành còn khai thác các tour tuyến tham quan thành phố Đà Nẵng phục vụ khách tàu biển, đặc biệt là chương trình homestay (ở lại đêm tại nhà dân) phục vụ khách tàu Hòa Bình (Nhật Bản) với các hoạt động hấp dẫn như dệt chiếu, nấu ăn, làm ruộng cùng nhân dân địa phương tại thôn Cẩm Nê, Hòa Tiến – Hòa Vang…
Điểm đột phá đầu tiên là phát triễn thị trường, tạo ra sản phẩm du lịch biển hấp dẫn như: thuyền buồm, du thuyền, lướt ván, lặn biển xem san hô, câu cá… Cùng với chính sách giảm giá, khuyến mãi kích cầu sẽ làm cho du lịch đường biển Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Chắc chắn khâu đột phá du lịch đường biển của Đà Nẵng sẽ mang lại những kết quả lạc quan, tạo điểm nhấn cho Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ 2011 đang đến gần.
Trong quy hoạch phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2020. Ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020 đạt 8,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 18,37% trong đó khách quốc tế đạt 1,4 ttriệu lượt. Doanh thu đạt 10,1 ngàn tỷ đồng. Giá trị tăng thêm lĩnh vực du lịch đạt 134,86 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,25% GDP của thành phố, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011- 2020 đạt 17 - 18% năm.