Về thăm làng trống Đọi Tam
Cập nhật: 27/06/2007
Đọi Tam những ngày đầu hạ, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục, tiếng búa, tiếng gõ ráp xương trống, thử trống..., du khách có thể cảm nhận được sức nóng của một làng nghề truyền thống đang trên đà phát triển. Người già bảo trống Đọi Tam đang “vào mùa”.
Thôn Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nằm cách thị xã Phủ Lý 15km về phía bắc, là làng nghề truyền thống có từ lâu đời nổi tiếng trong cả nước làm ra những chiếc trống phục vụ cho lễ hội Thăng Long - Hà Nội. Làng Đọi Tam nằm tựa lưng vào núi Đọ, hướng chính diện nhìn ra dòng sông Châu Giang hiền hòa.
Đến Đọi Tam du khách có thể hỏi bất kì ai từ già đến trẻ không ai là không biết lịch sử nghề trống làng mình. Tương truyền, nghề làm trống ở Đọi Tam đã có từ hơn 1.000 về trước. Theo truyền thuyết, năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, dưới chân núi Đọ, nhân dân mọi nơi nô nức tới xem. Có hai anh em là Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Đạt biết tin vua về, ngả cây gỗ mít, thịt một con trâu rồi dùng gỗ ghép lại thành hình chiếc trống, còn da trâu bịt lại hai đầu khi đánh phát ra âm thanh rất hay. Hai anh em mang trống ra dự lễ đón vua. Khi gióng lên, nhà vua thấy hay liền hỏi cách làm, đồng thời cho hai người truyền dạy nghề làm trống cho dân làng. Vua còn mời hai người lên kinh thành dành hẳn một phố để mở những cửa hàng làm trống. Tiếng trống vang như sấm nên về sau hai ông được dân làng tôn làm Trạng Sấm, nhân dân trong xã nhớ ơn nên đã lập đền thờ suy tôn hai ông là ông tổ làng nghề.
Hiện nay, cả nước ta có nhiều nơi làm trống, song trống Đọi Tam nổi tiếng hơn cả. Nghề trống Đọi Tam là nghề cha truyền con nối. Xưa kia, theo quy định của làng, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài vì sợ thất truyền. Nhưng với mong muốn tiếng trống Đọi Tam ngày một vang xa hơn nên các cụ đã phá lời nguyền năm xưa, giờ ai có nhu cầu đều được các cụ truyền dạy.
Đã là con trai Đọi Tam không ai là không biết làm trống, trước đây làng có một quy định bất thành văn rằng, con trai Đọi Tam khoảng 12, 13 tuổi đều phải học làm trống nhỏ. Đến 16, 17 tuổi đã có thể theo cha đi làm trống đại. Trống sấm chỉ dành cho những người đàn ông khỏe mạnh, có kinh nghiệm kỹ thuật điêu luyện. Thợ làng Đọi Tam làm đủ các loại trống: trống chèo, trống trường, trống trung thu, trống con, trống cóc... Để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Trong đó khâu quan trọng nhất là chọn gỗ. Gỗ làm trống được lấy từ cây mít- loại gỗ dẻo, mềm có đặc tính nhẹ, xoắn thớ khi đóng không bị cong vênh nứt vỡ. Ngoài ra gỗ mít ít co dãn và có đàn hồi nên giữ được hình dáng nguyên vẹn của trống và khi đánh âm thanh không bị vỡ, gỗ mít tuổi đời càng cao thì âm thanh càng đanh, vang và có hồn. Theo kinh nghiệm của các cụ “gỗ mít đánh ít kêu nhiều”, nên hầu hết thợ làm thường chọn gỗ mít làm trống. Khi đã chọn được gỗ ưng ý, người nghệ nhân xe, phơi gỗ và ghép thành khung.
Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước và khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em chơi.
Gỗ được cắt làm nhiều khúc, sau đó pha thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như là độ cong, độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có khẽ hở. Những chiếc dăm trống được khép khít và mài nhẵn tới mức mắt thường khó có thể nhìn thấy vết ghép. Để trống thật kín người ta còn dùng sơn miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn. Khâu cuối cùng là bưng trống. Dao trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi dùng đinh chốt được làm từ vầu hoặc thân tre già đóng cố định vào thân trống.
Các nghệ nhân làm trống Đọi Tam đã lấy con số 4 làm chuẩn. Theo quy định của người làm trống, một thước có 4 cm. Tùy theo kích thước to nhỏ mà người nghệ nhân tăng thêm hoặc giảm đi 4cm, chiếc trống to nhất là 12cm, nhưng cũng có những chiếc trống khổng lồ cao lên tới trên 3m, mặt trống 2m. Tuy khác nhau về kích thước, song tất cả những chiếc trống được người nghệ nhân Đọi Tam làm ra đều có một điểm chung là tiếng trống vang, đanh, giòn, càng đánh âm thanh càng vang xa. Những nghệ nhân lâu năm chỉ cần nghe tiếng trống là có thể biết nguyên liệu và quy trình làm trống đã chuẩn hay chưa.
Trong những nếp nhà, các cụ cao niên trong làng vẫn đang ngày đêm nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, truyền thụ kinh nghiệm cho con cháu với hy vọng con cháu mình sẽ làm cho trống Đọi Tam vang xa hơn nữa. Và cũng không quên nhắc nhở con cháu dù đi đâu cung phải giữ lấy nghề. Tất cả cùng chung một quyết tâm “hiến công, hiến kế, bảo vệ nghề trống”. Song các cụ cũng không quên nhắc nhở con cháu “nghề nào cũng phải có cái tâm và tình yêu nghề”.
Hà Nội Mới
|
|
|