Ngôi chùa ở làng Nôm cổ kính
Cập nhật: 16/07/2007
Quần thể di tích làng Nôm có những ngôi nhà cổ, có chợ Nôm, cầu Nôm, đình Tam Giang và đặc biệt là chùa Nôm – nơi bảo tồn gần như nguyên vẹn hơn 100 pho tượng cổ.
Tiếng ve râm ran giữa ngày hè oi ả như bản hoà tấu của thiên nhiên trong khu vườn chùa xanh đậm bóng cây cổ thụ. Chùa Nôm, tên tự là “Linh thông cổ tự” ngự ở làng Nôm, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thuộc thiền phái Lâm Tế. Chùa trước đây là ngôi đại tự hoành tráng thuộc miền Kinh Bắc, nay là Hưng Yên. Theo truyền thuyết thì xưa kia Chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ. Phải chăng sự linh thiêng của ngôi chùa, cũng như của đạo Phật, cộng với sự tốt tươi của ngàn thông trên mảnh đất này, mà có tên “Linh thông cổ tự”.
Chùa nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó là đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng. Đó là cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức, nâng bước chân thiện nam tín nữ đến với chùa. Đó là làng nghề đúc đồng truyền thống nên trước cổng chùa từ xưa đã trở thành nơi họp chợ mua bán các nguyên liệu phục vụ làng nghề. Người dân ở đây vẫn lưu truyền câu ca: “Đồng nát thì về cầu Nôm. Con gái nỏ mồm về ở với cha”.
Chùa Nôm được xây dựng từ bao giờ không ai còn nhớ. Hiện nay chùa còn bảo tồn được hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại những tư liệu vô cùng quý báu: Thời Hậu Lê, đời Chính Hoà, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại chùa này. Tiếp theo vào các năm Nhâm Thân (1692), Giáp Tuất (1694), Đinh Sửu (1697), Mậu Dần (1698), Kỷ Mão (1699) tiếp tục tu sửa lại tiền đường, hậu cung và hành lang. Năm Chính Hoà thứ 21 (1700) chùa được sửa lại các cột trụ, tạo thêm tượng, mở rộng sân chùa. Năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) chùa xây thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hành lang. Thời nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái năm thứ 11 (1899) chùa Nôm lại được trùng tu thêm một lần nữa. 100 năm sau lần trùng tu này, qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử cũng như sự phá huỷ của thiên nhiên bão tố, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 9/1998, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Đại đức Thích Đồng Huệ về trụ trì tại chùa. Từ đó đến nay, đại đức đã cùng chính quyền, đoàn thể và nhân dân xây dựng lại ngôi chùa ngày càng khang trang, phù hợp với cảnh quan và quần thể di tích tại ngôi làng cổ. Ngày ngày các cụ cao tuổi vẫn cắt phiên nhau đến làm những công việc nhà chùa. Bà Trịnh Thị Loan, 71 tuổi, một vãi chùa kể: “Tất cả chúng tôi từ già đến trẻ khi ra lao động cho nhà chùa đều rất phấn khởi. Hàng ngày tôi ra chùa hễ có công việc gì như làm cỏ vườn, dọn dẹp, sắp lễ thì tôi cũng loan báo cho các phật tử ở 11 thôn đến để lao động. Ngoài ở các thôn trong xã còn có khoảng 300 phật tử thập phương nữa cũng năng đến giúp nhà chùa”.
Một trong những thành công của hoạt động xây dựng nếp sống văn minh nơi thừa tự là việc nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ, tôn tạo di tích. Phát huy sức mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ di tích, chùa Nôm đã dần dần được trùng tu trở thành một ngôi chùa có vẻ đẹp hấp dẫn mang đặc trưng của vùng châu thổ Sông Hồng. Ngày 11/1 chùa khánh thành nhà Khánh đường. Ngày 19/2 năm Kỷ Mão: Yên vị tượng Phật bà Quan Âm trước cổng chính điện. Ngày 20/7 năm Canh Thìn 2000 khánh thành tổ đường. Đầu năm nay, chùa tiếp tục khánh thành lầu Quan Âm xây dựng trên hồ nước cạnh chùa.
Quần thể di tích làng Nôm cổ kính có những ngôi nhà cổ, có chợ Nôm, cầu Nôm, đình Tam Giang và đặc biệt là chùa Nôm – nơi bảo tồn gần như nguyên vẹn hơn 100 pho tượng cổ. Đây chính là một quần thể di tích lịch sử văn hoá có các yếu tố cơ bản tạo thành một làng quê tiêu biểu của Việt Nam. Ngày 12/2/1994, Bộ Văn hoá Thông tin đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cho quần thể di tích này. Để tôn vinh vẻ đẹp của quần thể di tích này, vừa tạo nơi cho người dân thư giãn vãn cảnh chùa, nhà chùa đang có ý tưởng thiết kế dự án mở rộng tôn tạo khu vực vườn chùa. Đại đức Thích Đồng Huệ nói: “Theo ý tưởng của nhà chùa thì phải có thêm một mẫu đất trồng tre và trồng trúc, thêm một mẫu đất để trồng cây sấu cổ thụ để khách đi lễ mát mẻ hơn và xa xa thì có lầu hóng mát. Trên lầu đó có một quyển kinh nói về phật giáo và các sách nói về nét văn hoá của Việt Nam. Chùa này sát sông Nguyệt Đức, có thể sau này sẽ xây dựng một tháp cao 54 mét để làm bảo tháp. Sau bảo tháp đấy có thể xây dựng một trại dưỡng lão để đón các cụ già cơ nhỡ hoặc các cụ muốn đến vui cảnh Phật”.
Ý tưởng của nhà chùa cũng tìm được tiếng nói chung của những người làm công tác văn hoá. Ông Đỗ Danh Phương, trưởng phòng văn hoá thông tin huyện Văn lâm nói: “Tôi thấy ý tưởng của nhà chùa rất tốt. Vì ngoài đi lễ, người dân có thể thưởng thức văn hoá, thấy được vẻ đẹp của làng quê đồng bằng Bắc Bộ rất đặc trưng, có hệ thống di tích chùa chiền, cầu đá, rừng tre và trại dưỡng lão. Nếu làm được như thế tôi cho rằng rất tuyệt vời”.
Giữ gìn những di sản văn hoá bằng cách phát huy sức mạnh xã hội hoá là cách làm của chùa Nôm để góp phần tôn vinh vẻ đẹp của khu làng Nôm cổ kính và tạo thêm môi trường thưởng thức văn hoá cho người dân quê cùng với khách thập phương.
VOV
|
|
|