Bí ẩn khu mộ cổ Đống Thếch
Cập nhật: 09/07/2007
Khu mộ cổ (KMC) ở thôn Đống Thếch, xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình có hàng trăm ngôi mộ cổ táng theo những hình thù rất lạ.
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học đây là KMC đặc biệt nhất ở nước ta vì có nhiều mộ nhất với hàng nghìn đồ tùy táng có giá trị khảo cổ học. Nó còn là một “kho báu” mang đậm bản sắc văn hóa của xứ Mường Động (một trong bốn mường nổi tiếng: Nhất Bi, Nhì Vang, Tam Thàng, Tứ Động).
Thánh địa” của nhà lang KMC Đống Thếch nằm giữa những đồi ngô xanh ngút ngàn. Phía dưới đồi ngô là những ngôi mộ dần dần hiện ra. Những cột đá to cắm quanh những ngôi mộ. Trên mỗi cột đá khắc rất nhiều chữ nho. Trước đây KMC này rất rộng với hàng trăm ngôi mộ và hàng ngàn phiến đá chôn xung quanh ngôi mộ trông như một rừng đá. Những phiến đá xanh đó được lấy từ Thanh Hóa, phiến đá to nhất có chiều rộng hơn 1m, cao khoảng 4m. Tất cả các ngôi mộ tuân thủ theo nguyên tắc chung, phía đầu mộ chôn 3 khối đá cao to nhất thành một hàng, phía chân mộ chôn ba khối nhỏ hơn, thấp hơn đối xứng với đầu mộ. Ý nghĩa của việc chôn những hòn mồ này là vừa để bảo vệ, vừa mang ý nghĩa tâm linh.
Quanh rừng mộ là những cây cổ thụ to vài người ôm, ngày nắng to nhất ánh sáng mặt trời xuyên qua được. Chuyện kể rằng, mỗi khi quan lang (người đứng đầu nhiều bảng) chôn cất người trong dòng họ, nhiều đôi trai gái đồng trinh chết theo. Cả khu rừng mộ âm u, tĩnh mịch càng gợi sự linh thiêng, nên không một người nào dám đặt chân đến nơi này.
Theo Gia phả họ Đinh, người có công dựng nên xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương người Ngọc Lặc - Thanh Hóa. Sau khi có công lớn giúp Lê Lợi diệt quân Minh thế kỷ 15, ông đã được vua Lê phong tước, đổi thành họ Đinh Công, cho cai quản xứ Mường Động. Chính việc xác lập vị trí vững vàng của dòng họ Đinh mà nhiều đời sau cha truyền con nối làm tù trưởng. Vùng đất này được triều đình nhà Lê dành cho nhiều đặc ân quan trọng, vì đây là một trong những thổ tù (người đứng đầu cả một vùng rộng lớn của xứ Mường) có nhiệm vụ bảo vệ phía tây kinh thành Thăng Long. Nổi bật nhất trong dòng họ Đinh là ông Đinh Công Kỷ, một vị tướng giỏi của vua Lê Trung Hưng (thời Hậu Lê 1533 - 1788), được phong tước Quận Công. Để con cháu đời sau không quên công đức, dòng họ này đã xây dựng mộ bia đá rộng lớn như một khu rừng, những mong trường tồn vĩnh cửu với thời gian. Sau đó những gia đình quan tướng trong dòng họ khi chết đều được chôn cất trong khu nghĩa địa này. KMC nằm trên địa thế rất đẹp phía trái có rồng cuộn, phía phải có hổ ngồi, đầu gối núi… Có nghĩa là một nơi đắc địa, đắc lợi, hậu chẩm là dải núi xanh, xung quanh có suối chảy qua. Người ta thường gọi nơi đây là thung lũng hình miệng rồng.
““Kho báu” của xứ Mường Động Năm 1984 Viện khảo cổ phối hợp với Sở VHTT tỉnh Hòa Bình tiến hành khai quật, thu thập các di vật. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều cổ vật có giá trị phản ánh giai đoạn lịch sử quan trọng của người Mường. Đó là nhưng đồ dùng bằng đồng, sứ, vàng, bạc…
Trong số những hiện vật đó, đáng chú ý nhất là những chiếc trống đồng loại 1, loại 2 có niên đại từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 12 (một chiếc trống đồng Đông Sơn muộn từ thế kỷ 2 -5 hiện đang để trưng bày tại bảo tàng Hòa Bình) cùng nhiều đồ gốm sứ có xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc có niên đạ từ thế kỷ 11 - 16. Điều này đã khẳng định sự giao lưu, buôn bán của người Mường vùng này đã phát triển thịnh vượng và mở rộng giao thương với nhiều nước trong khu vực.
Tục chôn gốm trong các mộ Mường là một tập quán truyền thống lâu đời của người Mường. Tập quán này liên quan chặt chẽ đến nghi lễ “chia của” cho người chết. Với quan niệm: người chết vẫn tiếp tục sống ở bên kia thế giới.
Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học KMC có giá trị rất lớn, nó cần được bảo tồn. Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đang quy hoạch khu di tích này thành điểm du lịch.
Tạp chí Thế giới Phụ Nữ
|
|
|