Ngày 19/4, đồng bào dân tộc Brâu (Kon Tum) về
tham gia vận hành Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức lễ về
làng mới bằng lễ hội đâm trâu.
Lễ mừng làng
mới kéo dài 4 ngày, bắt đầu là Lễ động thổ. Bà con dựng cây nêu cúng thần và
cắt tiết gà, sau đó thức suốt đêm đánh cồng chiêng đốt lửa, múa hát dân ca, dân
vũ, dân nhạc…. Ba ngày tiếp theo sẽ là những ngày hội của người Brâu với nhiều
hoạt động văn hoá đặc sắc. Ngày thứ 5 sẽ là ngày kiêng làng “nội bất xuất,
ngoại bất nhập” vì người Brâu cho rằng nếu người ngoài vào làng thì sẽ mang xui
xẻo vào, ngược lại, người trong làng đi ra sẽ mang may mắn của làng đi mất.
Lễ mừng
làng mới được tổ chức với ý nghĩa cầu mong cho dân làng làm ăn phát đạt, mùa
sau được mùa hơn mùa trước, không có dịch bệnh, dân tộc Brâu phát triển đông
đúc hơn. Theo quan niệm của người Brâu, các vị thần sáng tạo ra vũ trụ và con
người. Trong tín ngưỡng của người Brâu có thần núi, thần sông, thần cây, thần
đá. Cây cúng thần có tên là Soóc roóc là cây nêu cao trên một mét đầu ngọn chẻ
ra đan thành hình chiếc hom giỏ ngửa lên trời. Một cái thang nhỏ lên tới hom
giỏ ở đó đặt ống gạo, gan lợn, trứng gà, lông gà, cánh gà, chân gà.
Dân làng
chọn một con trâu khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê rồi đem
buộc bằng dây mây vào một Cột Gưng trang trí thật bắt mắt, cao khoảng 5m. Cột
Gưng là một cây gỗ quí to lớn cao thẳng dựng lên sân tổ chức lễ hội đâm trâu,
cột chia làm ba phần. Phần từ đất lên làm thành giàn cho già làng bước lên cúng
tế. Phần thân cột được chạm trổ công phu các hình ảnh hoa văn, các màu sắc rực
rỡ buộc các chùm tua ngũ sắc chuốt sợi từ thân nứa. Phần trên cùng là biểu
tượng chim hoặc cá, dưới treo chùm ống nứa già gọi là toơng nơơng nhờ gió phát
ra âm thanh.
Người chủ
trì đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt
trâu, uống rượu cần. Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn
tấu. Cả làng nhảy múa, ca hát, uống rượu…Nghi lễ đâm trâu là phần quan trọng
bậc nhất của lễ hội...
Lễ hội đâm
trâu là lễ hội tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn
làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện
quan trọng khác. Đây là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây
Nguyên ở Việt Nam.