Lễ hội Đạp cồng - nét văn hóa riêng của đồng bào Khmer Sóc Trăng
Cập nhật: 22/04/2011
Hàng vạn người từ khắp nơi đã đến tham dự Bun Thắc Cuôn hay còn gọi là lễ hội Đạp cồng, lễ hội cúng Dừa của đồng bào Khmer ở ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Lễ hội Thắc Cuôn được tổ chức vào "rằm tháng Chet" - tháng 5 Âm lịch của đồng bào Khmer hằng năm, diễn ra từ 3 đến 4 ngày đêm (từ ngày 18 - 21/4 Dương lịch).

                            Lễ cúng Dừa
Thắc Cuôn là hình ảnh của một lễ Cầu an, làm phước theo truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer nói chung và mang một nét rất riêng của người Khmer Sóc Trăng. Cứ đến mùa lễ hội, hàng chục ngàn người kể cả người Kinh, Khmer, Hoa trong tỉnh và khu vực đều đến tham dự, cầu an cho mình và gia đình  

Lễ hội Thắc Cuôn An Hiệp bắt nguồn từ sự tích: Xưa kia tại ấp An Trạch, xã An Hiệp có nổi lên một cái gò giống như chiếc cồng. Khi người dân bước lên giẫm mạnh có âm thanh phát ra giống như chiếc cồng. Càng ngày, âm thanh phát ra từ chiếc gò ấy càng yếu dần rồi mất hẳn. Bà con Khmer cho rằng đó là điều linh thiêng và để ghi nhớ đến chiếc cồng trong đất nên lập miếu thờ. Sở dĩ, lễ hội Thắc Cuôn được người ta gọi là Lễ cúng Dừa là vì trong lễ có hàng ngàn trái dừa được người dân khắp mọi nơi làm thành Slatho Đôn ( bình bông làm bằng trái dừa ) hoặc mua tại chỗ rồi đem dâng vào Sala Ten (nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo của đồng bào Khmer trong phum sóc). Ngoài dừa, người đến tham dự lễ hội còn dâng cúng trầu cau, bông sen, nhang đèn và rất nhiều ngũ cốc được đặt trên bệ thờ.  

Ngày kết thúc lễ hội, những hạt giống ngũ cốc và tro trên bệ thờ từ trước đó được người dân lân cận mang ra đồng rải lên những thửa ruộng của mình. Việc rải những hạt giống, tro và những thứ khác lên đồng như cầu những hạt giống đó sẽ giúp họ bình an, bội thu trong những vụ mùa sắp tới.

ĐCSVN