Du khách đến Huế lần đầu ai cũng muốn tìm đến cửa Thượng Tứ, ở phía đông nam kinh thành, để thưởng thức một món ăn mà những lời tán tụng về nó đã lan truyền khắp nơi.
Đó là bánh khoái - món bánh “khoái khẩu” mà ai một lần đến Huế cũng phải ăn cho biết.
Bánh khoái Huế có chung nguồn gốc với bánh xèo trong Nam, nhưng cách đổ bánh của người dân xứ Huế thì có khác. Trước tiên bột gạo sẽ được khuấy trong nước lạnh, pha thêm một chút muối và đường thắng để bánh có màu vàng cho bắt mắt. Tôm bóc vỏ ướp với thịt heo rồi xào sơ qua với nấm hương hoặc nấm mèo xé nhỏ để làm nhân bánh. Chuẩn bị thêm một chút ít giá sống và một chén lòng đỏ trứng gà đánh lỏng, tráng trên mặt bánh để bánh có màu vàng óng đẹp.
Đặt khuôn bánh lên lò, đợi nóng khuôn rồi tráng dầu cho sôi rồi mới múc bột đổ vào. Sau đó giải nhân lên bánh, đậy nắp chờ bánh chín thì cho thêm giá sống vào giữa rồi tráng lòng đỏ lên mặt bánh. Dùng vỉ gập bánh làm đôi, lật mặt bánh cho đều để bánh chín giòn mới để ra đĩa.
Đặc biệt bánh khoái ngon phải nhờ vào rau sống, rau ăn bánh khoái phải có đủ cải con, rau thơm, khế, chuối chát… và gia vị đặc trưng không thể thiếu là nước lèo, thứ nước tạo nên hương vị của bánh khoái. Nước lèo phải chế biến từ tương, đậu nành, gan heo bằm nhỏ, đậu phụng hoặc mè, thêm chút bột và gia vị vừa đủ, nấu chín thành một thứ soup sền sệt có mùi thơm quyến rũ.
Bánh khoái ở Huế ngon nhất hiện nay phải nhắc đến bánh khoái Lạc Thiện ở cửa Thượng Tứ. Du khách đến Huế mà không đặt chân đến đây để thưởng thức hương vị của bánh khoái thì thật là một điều thiếu sót.
Bánh vừa chiên xong, nóng hôi hổi, khói bốc lên. Vào những ngày mưa phùn xứ Huế mà được thưởng thức món này thì không còn gì thú vị bằng. Đĩa bánh vàng ươm, nóng giòn đặt cạnh đĩa rau sống tươi xanh với tô nước lèo còn bốc khói làm cho người ta chỉ mới thấy đã “khoái” rồi.
Bánh khoái đã trở thành văn hóa ẩm thực Huế, làm say lòng du khách đến Huế.