Bạch Dinh - nơi lịch sử đi qua
Cập nhật: 14/06/2011
Bạch Dinh được xây dựng trên nền pháo đài Phước Thắng, nằm ở lưng chừng núi Lớn, thuộc địa phận thành phố biển Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Pháo đài Phước Thắng, ban đầu chỉ là một đài phong hỏa do chúa Nguyễn Ánh xây dựng vào năm 1788 nhằm để bảo vệ cửa biển Vũng Tàu. Tháng 7/1839, vua Minh Mệnh đã cho xây dựng lại đài phong hỏa thành một pháo đài với qui mô lớn và kiên cố hơn. Pháo đài này có nhiệm vụ phối hợp với các thành lũy của Cần Giờ và các pháo đài khác nằm dọc sông Lòng Tàu bảo vệ tuyến đường thủy nối biển Đông với thành Gia Định (nay là quận BìnhThạnh, TP. Hồ Chí Minh).

Năm 1898, sau khi bình định xong xứ Nam Kỳ, thực dân Pháp đã san bằng pháo đài Phước Thắng để xây dựng một biệt thự sang trọng màu trắng mang tên Villa Blanche hay Bạch Dinh để làm nơi nghỉ dưỡng cho toàn quyền Pháp Paul Doumer tại Đông Dương và các quan chức cao cấp của nhà nước thuộc địa Pháp. Với vị thế tuyệt đẹp, biệt thự Villa Blanche còn là nơi nghỉ dưỡng của vua Bảo Ðại, Hoàng hậu Nam Phương và các tướng lĩnh của chính quyền Nam Việt Nam (1954 - 1975) như: Ngô Ðình Diệm, Ngô Ðình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu... Tòa biệt thự còn có một tên gọi khác nữa là dinh ông Thượng nhằm ghi dấu sự kiện vị vua yêu nước Thành Thái đã từng bị thực dân Pháp giam lỏng tại đây từ năm 1906 đến năm 1917, trước khi ông bị đầy đi đảo Réunion.

Bạch Dinh nằm trong khuôn viên rộng khoảng 6ha, một nửa trồng cây Giá Tỵ, một nửa trồng hoa sứ. Từ chân núi Lớn, du khách có thể đi theo 2 con đường để tới Bạch Dinh. Một đường uốn lượn nằm giữa hàng cây Giá Tỵ dành cho xe ôtô. Một đường qua 146 bậc tam cấp nằm giữa 2 hàng hoa sứ lâu năm dành cho người đi bộ.

Bạch Dinh mang kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, có chiều dài 28m, cao 19m và rộng 15m, gồm ba tầng. Tầng hầm là nơi nấu nướng, tầng trệt dùng làm phòng khánh tiết và tầng lầu để thư giãn, ngắm cảnh. Điểm nổi bật nhất của biệt thự này là các họa tiết, hình ảnh được trang trí bằng sứ men màu, thể hiện tính mỹ thuật cao như: đôi chim công đang nhảy múa, đôi cá chép đang uốn lượn như muốn hoá rồng, những bông hoa cúc, hoa hướng dương…, đặc biệt là 8 bức tượng chân dung các vị thần Hy Lạp thời cổ đại bao quanh ba mặt chính của ngôi nhà.

Đến Bạch Dinh, du khách có dịp đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên vô cùng thơ mộng và tươi đẹp. Vào mùa mưa, Bạch Dinh như được che phủ bởi một màu xanh thẳm của rừng cây Giá Tỵ, còn vào mùa khô, lại tràn ngập hoa sứ. Hoa trải dài trên lối đi, hoa từng chùm hồng, trắng, đỏ, vàng đua nhau khoe sắc trên cây như đón chào du khách tới thăm... Phía trước Bạch Dinh là một bao lơn hướng ra biển. Từ đây, du khách có thể nhìn bao quát Bãi Trước uốn lượn từ núi Nhỏ đến núi Lớn. Nếu nhìn thẳng xuống phía dưới, du khách sẽ thấy Hòn Hải Ngưu - một mũi đá nhô ra biển có hình dáng như một con trâu đang đắm mình dưới nước. Đây là nơi câu cá của các chủ nhân Bạch Dinh trước kia và khách du lịch ngày nay.

Hiện nay, Bạch Dinh được dùng làm nơi trưng bày nhiều hiện vật có giá trị như: đồ gốm sứ đời Khang Hy vớt được từ xác con tàu cổ bị đắm tại khu vực Hòn Cau (Côn Đảo) vào đầu những năm 1990, hai khẩu đại bác, mười khẩu thần công (có xuất xứ từ Pháp và I-ta-li-a vào thế kỷ 10), song bình bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ hoàng gia có ghi niên đại Khải Định 1921, cặp ngà voi châu Phi dài 170cm…

Tháng 8/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Bạch Dinh là Di tích kiến trúc, lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.


                                                                                          Thanh Hải (TTTTDL) biên tập