Bánh Ram ít xứ Huế
Cập nhật: 14/08/2007
Nói đến ẩm thực mang phong vị Huế, có lẽ du khách sẽ nhắc ngay đến bánh bèo, nhưng bên cạnh bánh bèo người Huế còn có một loại bánh mang hương vị độc đáo không kém, đó là bánh ram ít (được người Huế gọi tên đúng như hình dáng của chiếc bánh vậy).

Là một món ăn dân gian được truyền vào cung đình Huế đến nay bánh ram ít đã có mặt ở tất cả các hàng quà vặt của bất cứ con hẻm nào ở xứ Huế. Người Huế không dùng bánh ram ít trong bữa ăn chính hàng ngày, mà thường dùng bánh để ăn sáng hay là ăn vào buổi chiều.

Quả đúng như tên gọi, chiếc bánh ram rất nhỏ, xinh, được chế biến từ nguyên liệu chính là gạo nếp, bột đậu xanh và bột tôm, thường được ăn kèm với nước chấm chua ngọt. Chính hương vị đặc biệt của nước chấm đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn của món bánh ram ít. Phải là những người khéo tay và tỉ mỉ mới có thể làm ra được những chiếc bánh vừa ngon vừa dẻo lại vừa bùi, vừa có vị thanh mát, nước chấm pha phải vừa miệng, không quá mặn hay quá ngọt, ăn kèm với ớt Huế cay đến xuýt xoa. Bột làm bánh phải khéo lựa những hạt nếp ngon, trắng, đủ độ dẻo… Sau khi lựa được loại gạo nếp và đậu xanh đúng yêu cầu, người làm bánh phải lọc nếp để lấy phần tinh ở trong, sau khi đã nấu chín đậu phi xát nhuyễn dậu. Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, nhồi bột, người làm bánh bắt đầu vo viên những chiếc bánh nhỏ xinh, bên ngoài là bột nếp, bao bọc bên trong là nhân đậu xanh, sau đó hấp trong vòng 20 phút là được.

Bánh ram ít có hai phần rõ ràng, phần bánh ram và phần bánh ít. Khác với bánh ít, bánh ram rất giòn. Nếu nh
ư khi làm bánh ít cần phái hấp lên để đảm bảo độ dẻo và màu trắng ngần của bánh, thì đến phần bánh ram người ta dùng loại vỏ bột nếp dẻo ấy bọc nhân tôm thịt và sau đó đem chiên. Khi chiên lên màu của bánh ram giòn vàng trông rất bắt mắt. Lúc bày ra đĩa người Huế thường bày bên trên những chiếc bánh trắng tinh một lớp bột tôm cháy vàng cam trông rất hấp dẫn. Bánh ram ít được ăn kèm với bột tôm và nước chấm chua ngọt của người Huế nên có hương vị hết sức đặc biệt.

 

Cái hấp dẫn nhất của bánh ram ít chính là sự kết hợp giữa vị giòn tan của bánh ram với vị thơm, dẻo rất đặc trưng của đậu và nếp của bánh ít và vị ngọt thanh của nước mắm.

Tạp chí Du lịch