Người Cơ Tu sinh sống lâu đời ở Trường Sơn đại ngàn vẫn giữ được nhiều tài sản văn hóa quý về phong tục, tập quán, lễ hội, ma chay, cưới hỏi, ẩm thực, trang phục truyền thống, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc...
Đặc biệt là nhạc cụ truyền thống trong đó có đàn H'roa - đó là nhạc cụ không thể thiếu trong cuộc sống đời thường.
Đàn H'roa cho trai gái Cơ Tu tìm đến nhau nên duyên chồng vợ, để người Cơ Tu như quên bớt đi nỗi lo toan, cực nhọc nơi núi rừng bao la xanh thẳm...
Thoạt nhìn, đàn H'roa giống như cây đàn cò của người Kinh. Ðàn được làm bằng gỗ cây dổi, có hai phần: phần đế đàn và thân đàn. Ðế đàn được làm từ mảnh gỗ mỏng khoảng một phân dài khoảng 15cm. Thân đàn là một ống lồ ô già dài khoảng 30cm, đường kính khoảng 3cm, một đầu gắn vào đế đàn, đầu kia gắn cần đàn (dây kéo). Tùy thuộc vào nghệ nhân chế tạo mà có trạm trổ nhiều họa tiết hoa văn rất đẹp. Phần trên của đàn được khoét một lỗ để gắn chốt nhỏ bằng tre để lên dây đàn, từ đây có một sợi dây đàn được cột vào chốt nhỏ ấy chạy song song với thân đàn (ống lồ ô). Ngoài ra, từ chỗ tiếp giáp giữa đế và thân đàn được gắn một sợi chỉ có chiều dài hơn thân đàn vào miếng vẩy trút (vẩy con trút) hình tròn.
Nghệ nhân A Tùng Vẽ, 86 tuổi, hiện ở tại thôn Gừng thị trấn P'Rao, huyện Ðông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: đàn H'roa là loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Có thể chơi hai người hoặc một người. Chơi hai người thì một người dùng cần kéo bằng nứa hoặc tre để tạo ra tiếng qua chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời bàn tay trái bấm vào dây đàn tạo ra âm thanh. Người còn lại dùng miệng và hai hàm răng cắn lấy vẩy trút, giữ cho sợi chỉ trong trạng thái luôn căng, cùng lúc miệng hát nhưng hai hàm răng vẫn cắn chặt lấy vẩy trút, tạo nên âm thanh khi trầm khi bổng có sức quyến rũ lạ thường. Ðây là đàn để người con trai Cơ Tu thổ lộ tình yêu của mình với người con gái.
Ðàn H'roa có sức quyến rũ kỳ diệu, có thể sử dụng bất cứ ở đâu, trong chòi rẫy hay trong nhà Moong, nhà Gươn. Khi con trai con gái Cơ Tu đến tuổi yêu họ dùng đàn để nói hộ tình yêu. Người Cơ Tu gọi đàn H'roa là nhạc cụ không há miệng, tiếng đàn H'roa nói hộ tình yêu bằng những bài tình ca say đắm lòng người giữa người con trai và người con gái Cơ Tu để rồi từ đây hai người nên duyên chồng vợ...
Vào những dịp lễ hội truyền thống hay Tết của cộng đồng, tiếng đàn H'roa thỏ thẻ lại càng làm cho người Cơ Tu thêm gần gũi. Hiện nay, ở một số vùng của đồng bào Cơ Tu, số người biết chơi đàn H'roa không nhiều. Cũng theo Nghệ nhân A Tùng Vẽ, lớp trẻ Cơ Tu bây giờ, hầu như yêu nhau không còn thông qua tiếng đàn H'roa nữa. Hình ảnh đó dần dần bị chìm khuất vào sự lãng quên...
Cùng với các loại nhạc cụ khác của người Cơ Tu như kèn Ca-bluốc, kèn K'loóc, đàn Abel, sáo Ra-hênh... đàn H'roa gắn liền với truyền thống văn hóa bao đời của người Cơ Tu trên vùng Trường Sơn đại ngàn này rất cần được bảo lưu trong chính không gian sinh tồn của nó.