Cùng với sự phát triển của lượng khách du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng đã có sự phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Hiện nay các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi mới về phương thức kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế, như: kết hợp giữa các dịch vụ ăn nghỉ cũng như các loại hình dịch vụ bổ sung khác, tạo mối liên kết qua lại tương trợ lẫn nhau, do đó luôn có mức giá hợp lý và thu hút khách thường xuyên.
Trong dịp lễ hội hay chào mừng một sự kiện nào đó được tổ chức tại tỉnh Hà Giang, các cở sở lưu trú còn thực hiện giảm giá và có nhiều chương trình khuyến mại nhằm thu hút du khách. Những năm gần đây, do sự phát triển không ngừng của xã hội, khi mà con người ngày càng có điều kiện sống tốt hơn thì việc nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn đã trở thành nhu cầu không thể thiếu. Để đáp ứng được điều đó, các cơ sở lưu trú du lịch ở Hà Giang đã không ngừng đổi mới về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị hiện đại và đồng bộ. Năm 2010, lượt khách du lịch đến với tỉnh đạt 301.334 lượt người (trong đó khách từ Trung Quốc sang qua cửa khẩu Thanh Thủy 44.108 lượt người và khách quốc tế từ các thị trường khác là 3.922 lượt người) tăng 11% so với năm 2009, doanh thu cho các đơn vị kinh doanh du lịch đạt 308,9 tỷ đồng. Toàn tỉnh có hơn 106 cơ sở lưu trú với hơn 1.417 phòng nghỉ, trong đó có trên 10 khách sạn đạt chuẩn 1 sao, 3 khách sạn đạt chuẩn 2 sao và nhiều cơ sở lưu trú đã được xếp hạng chuẩn. Các cơ sở du lịch và lưu trú trong tỉnh ngày càng được nâng cấp về trang thiết bị, chất lượng phòng nghỉ ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho du khách lưu trú trong quá trình tham quan tại các khu, điểm du lịch. Song song với các dịch vụ ăn nghỉ, một số dịch vụ đi kèm như: vui chơi giải trí, kraôkê, vật lý trị liệu, các sản phẩm địa phương cũng được phát triển, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách của tỉnh.
Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, nơi đây đã thu hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó các điểm du lịch văn hóa tâm linh và các lễ hội cũng được nhiều du khách ghé thăm nhằm tìm hiểu thêm các nét văn hóa địa phương...
Từ sự tăng mạnh về lượng khách, các nhà quản lý nhà hàng, khách sạn đã có cách nhìn đúng đắn về sự phát triển du lịch cũng như tiềm năng du lịch sẵn có của tỉnh, bởi vậy họ đã không ngừng đầu tư sức người, sức của, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đồng bộ, cùng với sự sáng tạo nghệ thuật hấp dẫn từ cách bài trí trong phòng nghỉ cho đến sự hấp dẫn của mỗi món ăn mang đậm bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên hệ thống cơ sở lưu trú chủ yếu là của các hộ tư nhân, nên năng lực về chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, quy mô kinh doanh nhỏ, trang thiết bị mới đạt ở mức tối thiểu. Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sẵn có nhằm phấn đấu đưa ngành Du lịch Hà Giang trở thành nền kinh tế mũi nhọn, cần có sự quan tâm từ các cấp, các ngành và các doanh nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và ngày càng hoàn thiện hơn nữa các cơ sở lưu trú du lịch nhằm tạo sự hấp dẫn với du khách gần xa. Trong tương lai, với lòng mến khách của con người Hà Giang, du lịch tỉnh sẽ có những bước đột phá mới, do đó rất cần sự đầu tư đúng mức vào các cơ sở hạ tầng, sự độc đáo, phong cách riêng của các cơ sở lưu trú, sự hấp dẫn của ẩm thực quê hương sẽ là nền móng cho ngành du lịch phát triển bền vững.