Lễ hội dinh Thầy-Thím thị xã La Gi (Bình Thuận ) là một lễ hội văn hóa độc đáo và đầy sắc màu tín ngưỡng dân gian.
Trải qua hàng trăm năm, lần thứ 2 Lễ hội được tổ chức quy mô và trang trọng mang tên Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy-Thím năm 2007, để vừa giữ gìn vốn quý văn hóa vừa quảng bá cho du lịch thị xã La Gi...
Từ truyền thuyết…
Sự tích về Thầy-Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân Tân Hải (nay thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi). Thầy-Thím quê ở tận tỉnh Quảng Nam, sinh vào những năm đầu của triều vua Gia Long. Thầy vốn là một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cửa cao đẹp nên được dân nghèo mến mộ. Trong một lần “thay” ngôi đình cũ thành một ngôi đình khang trang để thực hiện ước nguyện của dân trong làng muốn có một ngôi đình to lớn để thờ Thành Hoàng, Thầy đã bị vua xử tội chết. Được lựa chọn 1 trong 3 cách chết, Thầy xin một tấm lụa đào để chọn cách “tự thắt cổ”. Nhưng kỳ lạ thay, tấm lụa chợt trở thành con Rồng, nâng Thầy-Thím lên rồi bay về phương Nam; nơi Thầy-Thím dừng chân chính là vùng đất Tam Tân (Tân Hải ngày nay); tại đây, Thầy-Thím vừa bốc thuốc cứu người vừa làm thêm các nghề như: đóng ghe thuyền, đốt củi. Không chỉ giúp đỡ dân nghèo, Thầy-Thím còn ra tay trừng trị bọn cường hào, buôn gạo lợi dụng mất mùa để bóp chẹt nông dân. Đối với ngư dân, Thầy không những đóng ghe, dạy nghề biển mà còn hay giúp ngư dân vượt những cơn sóng to, gió lớn khi đánh bắt trên biển… Khi Thầy-Thím qua đời, để tỏ lòng nhớ ơn công đức của Thầy-Thím, người dân địa phương chung tay lập đền thờ tại nơi Thầy-Thím tạ thế trong khu rừng dầu Bàu Cái. Chọn ngày 15/9 âm lịch hằng năm làm ngày lễ Tế Thu Thầy-Thím. Đến đời vua Thành Thái thứ 18, vua đã xem xét lại án xử Thầy-Thím trước đây và thấy được công đức của Thầy-Thím đối với dân nghèo, vua ban sắc phong cho Thầy-Thím là “Chí Đức Tiên Sinh” và “Chí Đức nương nương Tôn Thần”.
Dinh Thầy-Thím ban đầu được tạo dựng bằng tranh lá đơn sơ; về sau, khi đời sống ổn định, nhân dân đã đóng góp thêm để tôn tạo và nâng cấp dinh Thầy-Thím: lần tôn tạo lớn nhất diễn ra vào khoảng tháng 12/1879; đến nay, dù đã thêm nhiều lần tôn tạo, trùng tu nữa nhưng dinh Thầy-Thím hiện nay vẫn giữ được những nét kiến trúc theo nghệ thuật chạm khắc, trang trí nội ngoại thất theo cung cách nghệ thuật cung đình; các tượng thần linh được bố trí hài hòa xung quanh dinh như ngày xưa. Chính những nét kiến trúc độc đáo này cùng với những nghi lễ đầy màu sắc văn hóa vùng biển của 2 ngày lễ lớn là Tảo Mộ (mồng 5 tháng giêng âm lịch) và Tế Thu vào rằm tháng 9 âm lịch, dinh Thầy-Thím đã được bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997.
Đến Lễ hội quảng bá du lịch
Nằm trong chủ trương đưa những giá trị văn hóa truyền thống vào phục vụ ngành du lịch, thị xã La Gi tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch dinh Thầy-Thím năm 2007 đúng dịp lễ Tế Thu. Kéo dài trong 3 ngày (từ 24-26/10/2007), Lễ hội năm nay, bên cạnh những nghi thức tế lễ và những hoạt động của phần hội theo truyền thống, còn có thêm rất nhiều hoạt động gắn liền việc phục vụ nhu cầu tham quan của du khách cũng như quảng bá những tiềm năng của ngành du lịch thị xã La Gi. Trong khi Ngày hội việt dã được tổ chức tại khu vực trung tâm thị xã, thì Hội thi leo dốc Ông Bằng diễn ra tại khu di tích lịch sử Dốc Ông Bằng. Đặc biệt, tại thắng cảnh Ngãnh Tam Tân nổi tiếng diễn ra rất nhiều hoạt động sôi nổi và hào hứng; đó là Ngày hội võ thuật cổ truyền kết hợp với các trò chơi dân gian, rồi giải bóng chuyền bãi biển với rất nhiều đội tuyển mạnh của các địa phương có phong trào tham gia. Ngoài ra, bãi biển thơ mộng này không chỉ diễn ra các hội thi mang đậm cuộc sống đời thường của người dân quê biển như kéo co trên cát, gánh cá, lắc thúng chai…mà còn lôi cuốn bởi hội chợ ẩm thực với 10 gian hàng giới thiệu những món ăn đặc trưng miền biển như hải sản, các loại bánh, bún mắm nêm, bánh canh chả cá…
Trang nghiêm và đậm bản sắc hơn cả là phần lễ hội diễn ra tại khu vực dinh Thầy-Thím. Rất nhiều nghi thức lễ truyền thống không những duy trì mà còn được nâng tầm. Lễ Nghinh Thần (từ mộ về Dinh Thầy-Thím) bên cạnh Kiệu Thầy-Thím còn có 15 xe hoa được trang trí theo những truyền thuyết về cuộc đời của Thầy-Thím cung thỉnh đi qua tất cả con đường của làng Tam Tân, nơi ngày xưa Thầy-Thím sinh sống, lao động và cứu giúp dân nghèo. Lễ nhập điện an không chỉ diễn ra với những nghi lễ trang trọng mà còn có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian như chèo bả trạo, tuồng cổ, hò vè. Tiếp theo là những lễ rất quan trọng như: Cúng Ngọ, Phát Lộc, Thỉnh Sanh, Giỗ Tiền Hiền, không những giữ đúng nội dung mà còn nâng thêm tầm độc đáo và hấp dẫn, nhất là một đêm khai hội đầy sắc màu văn hóa dân gian, trở thành một phần hội hoành tráng nhất của Lễ hội. Tiếng trống hội, trống lân, âm thanh của nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng Bình Thuận như: Múa Chăm, Cầu Ngư, hò dân chài hòa cùng những nghi thức lễ trang trọng như dâng hương, tri ân công đức, Tế Tiền Hiền, Thành Hoàng…
Với mục đích giáo dục lòng yêu quê hương, sống đạo nghĩa, tỏ lòng biết ơn các bậc tiền bối cũng như tạo điểm nhấn văn hóa thu hút du khách, Lễ hội còn có chương trình sân khấu hóa về sự tích Thầy-Thím. Cùng với những mô hình giới thiệu cuộc đời và công đức, rất nhiều việc làm giúp dân nghèo của Thầy-Thím khi xưa được phục dựng bằng những nội dung ý nghĩa nhân đạo. Từ việc tổ chức quầy khám chữa bệnh và cấp phát thuốc Đông y miễn phí cho đến giới thiệu những kỹ năng đóng thuyền đi biển của Thầy, những địa danh gắn liền với truyền thuyết như: Bàu Cát, Lạch Trượt Cát, tượng Bạch Hổ, Hắc Hổ, nhà ông Hai Hộ…