Lâu nay, du lịch Tam Điệp được biết đến với hai loại hình chính là du lịch tâm linh và du lịch sinh thái với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: đền Dâu, Quán Cháo, khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng, sân golf Hoàng Gia...
|
Khách chơi golf tại sân golf 54 lỗ ở khu vực hồ Yên Thắng |
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã, hoạt động du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đến xây dựng nếp sống văn minh ở các khu, điểm du lịch.
Đồng chí Tống Đức Thuận, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã cho biết: Thị xã Tam Điệp hiện có nhiều đền, chùa, di tích lịch sử đã được xếp hạng, đó là điều kiện thuận lợi để thị xã phát triển loại hình du lịch tâm linh. Thời gian qua, thị xã đã tập trung đầu tư và khai thác có hiệu quả các công trình văn hóa, thể thao như: Quan tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nhất là tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, đền, chùa. Làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch như: Xây dựng nếp sống văn minh ở các đền, chùa, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn mê tín dị đoan...
Bên cạnh đó, thị xã đã triển khai lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đối với 3 di tích: đền Dâu, đền Quán Cháo và di tích đình làng Quang Hiển. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đối với di tích đền Dâu và đền Quán Cháo. Bên cạnh đó, thị xã còn tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tổ chức khoanh vùng bảo vệ các di tích. Đến nay, đã hoàn thiện việc cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử Tam Điệp - Biện Sơn.
Cùng với loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, trên địa bàn thị xã cũng thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài nước với các dự án du lịch đã và đang được triển khai là: khu liên hợp thể thao sân golf 54 lỗ, dự án du lịch đồi Dù, khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng. Mặc dù đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhưng các khu du lịch đã đi vào hoạt động, thu hút khách du lịch với nhiều loại hình phục vụ nhu cầu chơi thể thao, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng và ăn uống.
Ngoài 2 loại hình du lịch chính, thị xã Tam Điệp còn phát triển mạnh nghề trồng cây cảnh; sưu tầm, chế tác đá cảnh nghệ thuật, gỗ lũa... nhằm thu hút du khách khi dừng chân tham quan, du lịch tại Tam Điệp.
Thực hiện Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ thị xã (khóa VII) về "Phát triển du lịch từ năm 2006 đến năm 2010", hoạt động du lịch trên địa bàn đã có bước phát triển tích cực. Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, thị xã đã có quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng chọn lọc những giá trị văn hóa gắn với lịch sử vùng đất Tam Điệp. Thị xã đã tập trung quảng bá, quy hoạch các dự án, danh mục thu hút đầu tư, tích cực tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, tổ chức các hội thảo về phát triển du lịch, tham gia quảng bá du lịch địa phương tại các hội chợ du lịch quốc tế... Bên cạnh đó, tạo cơ chế ưu đãi, thực hiện mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Để thu hút khách đến lưu trú, thị xã Tam Điệp đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động lưu trú trên địa bàn, chú trọng công tác thẩm định, tái thẩm định xếp hạng khách sạn, nhà nghỉ, đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch. Đến nay, thị xã có 18 cơ sở lưu trú với tổng số trên 200 phòng, 27 cơ sở dịch vụ ăn uống đạt chuẩn. Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm thị xã Tam Điệp đã đón trên 4.300 lượt khách nội địa và quốc tế đến tham quan, lưu trú. Riêng năm 2011, thị xã đón 8.530 lượt khách lưu trú, tăng 4.830 lượt so với năm 2006.