Theo thông báo về lượng khách đã đặt chỗ và việc các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay trực tiếp đến Việt Nam của các công ty lữ hành, có thể tin tưởng năm 2012 sẽ là năm đầy triển vọng của du lịch Quảng Nam.
Hơn 2,53 triệu lượt khách tham quan và lưu trú năm 2011 với tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng là một con số ấn tượng trong bối cảnh suy giảm kinh tế, nhưng lại khá khiêm tốn so với tiềm năng du lịch của vùng di sản. Có rất nhiều lý giải về việc này, tuy nhiên vẫn tập trung vào hai lý do chính là: đường bay quốc tế trực tiếp tới miền Trung còn ít, vào mùa cao điểm thì thường bị thiếu các chuyến bay từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng.
Nhiều doanh nghiệp lên tiếng rằng, với 108 cơ sở lưu trú, 3.510 phòng (trong đó 2.200 phòng tiêu chuẩn 3 sao trở lên) nhưng công suất buồng phòng không quá 65% thì không cần phải mở thêm khách sạn nữa, chỉ cần có đường bay thẳng là thắng lớn. Một số giám đốc khách sạn cho hay, việc đánh giá lại thị trường, nguồn khách, theo dõi sản phẩm đã bán và bán cho ai để kịp thời điều chỉnh theo diễn biến thị trường, tổ chức thường xuyên hơn các chương trình tiếp thị, khuyến mãi… Tất cả những hoạt động đó, giờ đây là việc sống còn, không thể trì hoãn nữa của bất cứ công ty kinh doanh du lịch nào, nếu muốn tồn tại và tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Thế nhưng, họ vẫn thừa nhận, dù có nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm những sự kiện quảng bá, tuyên truyền hay tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, tạo ra những hoạt động marketing mang tính bền vững… thì kết quả cũng sẽ khó như mong đợi, nếu như không có thêm những đường bay thẳng tới miền Trung.
Chuyện thiếu đường bay đã được nhắc tới trong rất nhiều năm qua, nhưng câu trả lời của ngành chủ quản và ngành hàng không là điều không thể, nằm ngoài tầm tay. Đưa ra phân tích này để hiểu vì sao giới kinh doanh du lịch Quảng Nam lại hồ hởi đón nhận thông tin về các đường bay mới đến Việt Nam hay trực tiếp tới Đà Nẵng trong một vài tháng tới. Mặt khác, vai trò của việc khảo sát tuyến điểm mới, hay tìm các hãng hàng không để thương lượng giá cả nhằm thiết kế những tour có giá cạnh tranh của các công ty du lịch đã được hoán đổi khi chính các hãng hàng không trong nước và nước ngoài sẵn sàng mở đường bay mới từ Việt Nam đi, hỗ trợ các công ty du lịch tiếp cận với đối tác lữ hành nước ngoài và cũng sẵn sàng làm người tiền trạm để định hình sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng và ông Trần Đặng Mậu Bình của Vitour đều cho rằng, việc Vietnam Airlines phối hợp với Công ty Du lịch Ariang (Hàn Quốc) đưa đại diện các hãng lữ hành hàng đầu Việt Nam đến những điểm mới trên hành trình từ Busan đến Seoul hay mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và London (Anh Quốc) sẽ là cơ hội cho các công ty lữ hành đưa, đón khách qua lại.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc kinh doanh của Công ty Cổ phần du lịch, dịch vụ Hội An, năm 2012 là một năm đầy triển vọng của du lịch miền Trung với việc sân bay Đà Nẵng đã được nâng cấp; đưa vào khai thác một số tuyến bay quốc tế mới, khởi hành từ Malaysia, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và nội địa, khởi hành từ Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Lạt đến Đà Nẵng. “Miền Trung sẽ khởi sắc từ các chuyến bay. Lượng khách đến bằng đường không sẽ tăng lên rất nhiều so với hiện tại, nhất là khách Nga với khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày”, ông Thủy nói.