Các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch đã “tư vấn” cho kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Nam dựa trên phân tích SWOT, bao gồm: điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities), thách thức (Threats).
|
Phố cổ Hội An |
Phil Haman, chuyên gia tư vấn du lịch của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) cho rằng, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch chất lượng cần phải xây dựng đủ 6 bước, đó là: phân tích tình hình (situation analysis), xác định mục tiêu quảng bá (identify marketing objectives), phân khúc thị trường (market segnation), chọn thị trường mục tiêu (target market selection), định vị chiến lược (positioning strategy) và hoạt động quảng bá (marketing activities).
Thông qua các cuộc khảo sát thị trường tại chỗ, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch nhận định, để có thể xây dựng được một kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Nam mang tính khả thi, hiệu quả, việc phân tích SWOT là một yêu cầu quan trọng. Vấn đề này càng bức thiết giữa bối cảnh ngành kinh tế du lịch Việt Nam đã và đang phải chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, khu vực lạm phát và nợ công.
Theo kết quả khảo sát thị trường du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cùng với sự hỗ trợ của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Tổ chức SNV hồi tháng 10/2011 cho biết, điểm mạnh của du lịch Quảng Nam chính là sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới (phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn) và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Thêm vào đó, nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, bao gồm: các bãi biển, dịch vụ ẩm thực, mua sắm, may mặc, lưu trú… Song, sự thiếu gắn kết, thiếu cạnh tranh lành mạnh giữa cộng đồng doanh nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin, diễn giải điểm đến cho du khách và sự bất cập trong việc bảo vệ các di tích dưới tác động của du lịch… đã khiến mọi cơ hội vẫn ở dạng tiềm năng. Cuộc khảo sát cũng đưa ra đánh giá rằng Quảng Nam đã tổ chức thành công những sự kiện du lịch, văn hóa tầm quốc gia và quốc tế, thu hút một lượng lớn khách du lịch, ngay cả trong mùa du lịch thấp điểm. Tuy nhiên, hậu quả thiên tai nặng nề đã ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng du lịch, đời sống nhân dân và hiệu quả nền kinh tế du lịch.
|
Du khách tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn |
Cuối năm 2011, một cuộc khảo sát khác của dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở Quảng Nam” do Sở VHTTDL tỉnh và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cũng đã đưa ra những nhận định phân tích SWOT khá tương đồng với kết quả khảo sát trên. Theo các chuyên gia ILO, sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa, làng nghề và con người Quảng Nam chân tình, thuần hậu, hiếu khách… chính là lợi thế của du lịch Quảng Nam. Song du lịch Quảng Nam vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như: nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu dù nơi này có những trung tâm đào tạo nghề tại chỗ có khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực du lịch chất lượng; các doanh nghiệp du lịch chủ yếu được thành lập với quy mô nhỏ và vừa, chưa thực sự mạnh dạn đầu tư vào việc tiếp cận, thu hút các nguồn vốn đầu tư; sản phẩm du lịch chưa độc đáo...
Kết quả khảo sát mặc dù chưa phản ánh hết tình trạng du lịch của Quảng Nam hiện nay nhưng cũng là cơ sở để đánh giá tiến trình phát triển du lịch tại địa phương. Hy vọng từ tư vấn và sự nhận thức, “SWOT du lịch Quảng Nam” sẽ xây dựng được một kế hoạch xúc tiến quảng bá chất lượng và khả thi, phát huy hết lợi thế vùng di sản, trở thành miền đất du khách không thể bỏ qua, đúng như chủ đề năm 2012 là “Năm du lịch di sản”.