Ngày 7/3/2012 tại cơ quan Tổng cục Du lịch, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành báo cáo kết quả sơ bộ Đánh giá tác động của các dự án tài trợ nước ngoài đối với ngành du lịch từ năm 2000 đến nay.
Đây là dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nhằm đánh giá tác động của các dự án tài trợ cho du lịch Việt Nam trong 20 năm qua, đặc biệt là trong khoảng 10 năm gần đây (2000-2011). Từ đó đưa ra những kiến nghị và giải pháp để du lịch Việt Nam tăng cường thu hút các dự án tài trợ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức và quốc gia trên thế giới phục vụ cho quá trình phát triển của ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Phạm Trương Hoàng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Giảng viên Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ năm 2000 đến nay, Du lịch Việt Nam đã nhận được gần 30 dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế. Đứng đầu là Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID) với 8 dự án, thứ hai là Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) với 5 dự án, thứ ba là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Luxembourg cùng có 4 dự án; tiếp theo là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và EU cùng có 2 dự án, các tổ chức khác là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (UICN) đều có 1 dự án.
Các dự án được đầu tư chủ yếu cho các mục tiêu như: Phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng du lịch, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường thiên nhiên và văn hóa… Các dự án có xu hướng tăng cả về số lượng và vốn trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2009 đến nay. Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT) là đơn vị đã nhận được nhiều dự án tài trợ nhất với 15 dự án.
Kết quả cho thấy, các dự án tài trợ cho du lịch Việt Nam trong những năm vừa qua đã phát huy hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực hiện và triển khai dự án cần phải được khắc phục và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới đó là: Thủ tục cấp giấy phép còn rườm ra, mất quá nhiều thời gian; mục tiêu của đề án mang quá nhiều tham vọng; sự tham gia và hợp tác giữa các bên tham gia chưa được chặt chẽ; trình độ và nhận thức của người tham gia và quản lý dự án chưa được cao; kết quả và thành công của dự án sau khi hết thời hạn ít được ứng dụng và triển khai…
Hy vọng, kết quả của đánh giá này sẽ giúp cho ngành Du lịch Việt Nam có được bức tranh toàn cảnh về công tác quản lý và triển khai các dự án tài trợ của nước ngoài. Trong thời gian tới ngành Du lịch sẽ sớm xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư, quản lý và điều phối các dự án một cách hiệu quả hơn theo hướng phát triển bền vững đã được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bài và ảnh: Thế Phi (TTTTDL)