Từ ngày 29 đến 31/3 (tức 8 - 10/3 âm lịch), tại đền Đông
Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), Trung tâm Thông tin - Xúc
tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái) sẽ phối hợp với UBND
huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) lần đầu tiên tổ chức Lễ hội sông Hồng nhằm khai
thác giá trị của văn hóa sông Hồng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đây
là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Du lịch về cội nguồn giữa ba tỉnh
Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai.
|
Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao (huyện Văn Yên) |
Theo kế hoạch, lễ khai mạc sẽ diễn ra trong khoảng 45 phút
với màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, bao gồm 4 phần: Vũ khúc sông Hồng, Sông
Hồng dậy sóng, Sông Hồng những mùa phù sa và Sông Hồng vẫy gọi.
Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ
thuật, thể thao sôi nổi như: hội chợ thương mại - chợ quê - ẩm thực; trưng bày
triển lãm “Sông Hồng xưa và nay”, triển lãm đường phố; trình diễn qui trình làm
giấy dó truyền thống; trình diễn lễ Cấp sắc của dân tộc Dao (huyện Văn Yên);
hội chọi trâu và lễ khao quân thời Trần; hội đua thuyền; tổ chức một số tour du
lịch dọc sông Hồng; liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục
dân tộc; biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp với vở chèo “Dũng tướng Hà Chương”;
chiếu phim, phát hành sách giới thiệu về du lịch Yên Bái...
Hiện nay, Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch Yên Bái đang
tiến hành các hoạt động để phục vụ lễ hội như: chuẩn bị tư liệu ảnh cho thiết
kế và in tập gấp giới thiệu về sông Hồng; thiết kế makét tuyên truyền cho Chương
trình du lịch về cội nguồn và Lễ hội sông Hồng; trang trí khánh tiết các khu
vực diễn ra lễ hội; hỗ trợ cho nhân dân và một số làng nghề tiêu biểu của huyện
tham gia phần chợ quê và ẩm thực.
Ngoài ra, UBND huyện Văn Yên cũng đang nâng cấp mở rộng đoạn
đường nối Yên Bái - Khe Sang với khu vực đền Đông Cuông; chuẩn bị hệ thống cơ
sở lưu trú và vận động nhân dân tổ chức dịch vụ đón tiếp những du khách có nhu
cầu lưu trú; gấp rút hoàn thành các hạng mục như: khu vực sân khấu, bãi đỗ xe, bãi
cát tổ chức thể thao; đảm bảo an ninh, trật tự; tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia các
hoạt động lễ hội; quảng bá sâu rộng hình ảnh đất và người Văn Yên nhằm thu hút
đầu tư phát triển du lịch.
Nền văn hóa sông Hồng (hay còn gọi là nền văn minh sông
Hồng) được hình thành cách đây hàng nghìn năm, gắn liền với sự phát triển đời
sống vật chất, tinh thần của người Việt cổ. Văn minh sông Hồng vừa mang bản sắc
văn hoá của một cộng đồng cư dân cố kết trên một địa bàn sinh sống chung, vừa
biểu thị sự giao lưu văn hoá mật thiết với bên ngoài, là cội nguồn sức mạnh để
nhân dân Việt Nam
đứng vững, vượt qua được nhiều thử thách to lớn trong hơn một nghìn năm Bắc
thuộc. Cùng với văn hóa Mường Lò, văn hóa sông Chảy, văn hóa sông Hồng cũng bắt
đầu được khai thác, góp phần phát huy toàn diện thế mạnh của du lịch Yên Bái
nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.
Phạm Phương (TTTTDL)