Năm 2011, ngành du lịch Lào Cai “bội thu” cả về lượng khách trong nước và quốc tế cũng như doanh thu du lịch. Tuy nhiên, để tạo sức bật cho du lịch Lào Cai, ngành du lịch cần có những bước đi đột phá, sáng tạo hơn nữa.
Tăng trưởng và thách thứcTheo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh kinh tế suy thoái nhưng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thời gian qua đều tăng trưởng mạnh. Doanh thu vượt mức chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2011, Lào Cai chào đón gần 1 triệu khách du lịch, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2010; nhờ đó, doanh thu du lịch cũng đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm trước, tạo bước tăng trưởng ngoạn mục cho ngành du lịch Lào Cai kể từ khi tái lập tỉnh (1991) đến nay.
Một trong những tín hiệu “khởi sắc” cho ngành du lịch Lào Cai trong thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay là, tính từ đầu năm đến nay, tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt hơn 298.970 lượt (bằng 30,51% kế hoạch năm và tăng 23,77% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 149.150 lượt, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là giá cả và chất lượng một số dịch vụ cũng như chất lượng tour du lịch trên địa bàn chưa thực sự làm hài lòng du khách. Đặc biệt, vấn đề vận chuyển khách du lịch gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ và chất lượng chưa đảm bảo. Một trong những yếu tố khiến cho du khách quay trở lại Lào Cai là phải có sản phẩm du lịch đặc sắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi du khách đến với Sa Pa đa phần chỉ loanh quanh tham quan khu vực thị trấn và một số tuyến du lịch bản làng. Vài năm trở lại đây, khu vực này không hề có thêm sản phẩm mới và các nơi thì khai thác du lịch hầu như giống nhau đến 70%. Riêng dịch vụ cung ứng cho khách leo núi Phan Si Păng đang tồn tại ở tình trạng độc quyền, nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp khi tổ chức loại hình du lịch độc đáo này.
Tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Bên cạnh đó là sự không ổn định của lực lượng lao động tại các doanh nghiệp. Số lượng hướng dẫn viên có thẻ quốc tế (toàn tỉnh có gần 70 hướng dẫn viên) còn khiêm tốn, trong khi số lượng khách quốc tế đến với Lào Cai ngày một tăng nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của du khách cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là hướng dẫn viên quốc tế giỏi tiếng Trung Quốc.
Tạo sức bật cho du lịch Lào Cai
Để phát huy tối đa nguồn tài nguyên du lịch vô giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Lào Cai, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương, nhất là hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số, xây dựng các tuyến, điểm du lịch mới đưa vào thử nghiệm ở Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai; nâng cấp các tuyến đường du lịch đã và đang xuống cấp trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đến với địa phương.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, địa phương cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát cung ứng dịch vụ đường sắt, cũng như các dịch vụ lưu trú; kiểm soát tình trạng đầu cơ tăng giá vào những dịp lễ hội hoặc mùa cao điểm du lịch. Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn vẫn chưa thể cùng nhau xây dựng một chính sách giá chung để các bên cùng hợp sức, tăng khả năng phục vụ lẫn chất lượng dịch vụ cho khách.
Một yêu cầu cấp bách hiện nay là các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh phải liên kết để tiến tới thành lập Hiệp hội Du lịch Lào Cai, qua đó, nhằm tạo sức bật và thương hiệu riêng cho du lịch Lào Cai.