Tiếp nối
phiên chợ vùng cao vừa được tái hiện ở Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội), công chúng
thủ đô lại sắp có cơ hội chiêm ngưỡng những sắc màu rực rỡ của thổ cẩm Tây Bắc,
hương vị đặc trưng của chảo thắng cố hay âm thanh của tiếng kèn lá, đàn môi...
cất lên từ một góc chợ phiên khác. Đó là điểm nhấn thú vị của “Sắc màu Tây
Bắc”, chương trình do Bộ VHTTDL tổ chức được khai mạc tối 26/4 tại Trung tâm
Triển lãm VHNT VN.
Dặt dìu chợ
phiên Tây Bắc
Thật khó để
biến không gian có phần thiếu độ mở của Trung tâm Triển lãm VHNT VN trở thành
một phiên chợ vùng cao đậm sắc màu Tây Bắc. Thế nhưng dường như BTC đã quyết
tâm tái hiện không khí một phiên chợ vùng cao để phục vụ công chúng thủ đô và
du khách quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hoa (PGĐ Trung tâm) cho biết, phiên chợ sẽ được
thiết kế, trang trí theo đúng môtíp của một phiên chợ vùng cao với nhiều hoạt
động được tái hiện theo lối sinh hoạt truyền thống của các dân tộc vùng Tây
Bắc. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng, mua bán các mặt hàng nông sản, thổ cẩm,
rau rừng... được đồng bào Thái bày trên những sạp tre nứa, hay vắt trên những
chiếc gùi của dân tộc Mông, Dao.
Ngay giữa
chợ, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh chảo thắng cố, đặc sản truyền thống vùng Tây
Bắc; được ngắm nhìn những chiếc khăn Piêu của người Thái, hoa văn rực rỡ trên
cạp váy Mường... GĐ Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái Tạ Xuân Hiếu cho biết, bên cạnh điệu
múa của dân tộc Khơ Mú, tại phiên chợ hiếm có ở giữa lòng Hà Nội, Yên Bái sẽ
“khoe” đặc sản thắng cố cùng các món ẩm thực thịt trâu nướng, rượu táo mèo, mật
ong Mù Cang Chải, chè Suối Giàng. Khá thú vị là cơ hội thưởng thức hương vị cay
nồng của rượu thóc La Pán Tẩn, loại rượu không chỉ là đồ uống phục vụ sinh hoạt
văn hoá ẩm thực của đồng bào Mông mà còn là sản vật để dâng cúng tổ tiên, trời
đất và tiếp khách quý. “Cũng rất độc đáo là nghề rèn đúc ở Mù Cang Chải. Du
khách sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh lò rèn cổ xưa của đồng bào ở Mù Cang Chải
cùng thao tác tay nghề khéo léo của các nghệ nhân...”, ông Tạ Xuân Hiếu cho
hay.
Giữa những
dặt dìu của chợ phiên Tây Bắc, du khách cũng sẽ được thoả mãn với những sắc màu
thổ cẩm dân tộc Mường của Hoà Bình; cơm lam, thịt hun khói của đồng bào các dân
tộc ở Sơn La; những hoa văn tinh xảo trên vòng bạc, trang phục dân tộc, nhạc cụ
dân tộc Thái Điện Biên...
Hiếm khi
được rảo chân ở một phiên chợ mộc mạc như thế, người đi chợ còn được thưởng
thức hương vị xôi nếp nương Điện Biên được đồ ngay tại chợ, do những cô gái
Thái trong trang phục khăn piêu, áo cóm mời chào. Phiên chợ Dào San - một chợ
phiên điển hình của Lai Châu và cả vùng Tây Bắc cũng sẽ được tái hiện với các
món ẩm thực lạp sườn, thịt sấy, xôi màu, lợn cắp nách...
Đi qua miền
Tây Bắc
Không chỉ
hấp dẫn với chợ phiên, “Sắc màu Tây Bắc” còn đưa người xem đi qua những nẻo
đường Tây Bắc với nhiều chương trình giao lưu ý nghĩa. Sau đêm khai mạc tối 26/4
với chủ đề “Lung linh sắc màu Tây Bắc” là nhiều chương trình biểu diễn, giao
lưu tại Vân Hồ và một số địa điểm khác trên địa bàn Hà Nội.
Trong đó, “Qua
miền Tây Bắc” là cuộc hội ngộ cảm động của các thế hệ quân nhân, anh hùng
LLVTND, các cựu chiến binh cùng thế hệ trẻ và các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian
vùng Tây Bắc tại thủ đô Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam
thống nhất đất nước 30/4. Bên cạnh đó, “Tây Bắc - điểm hẹn” cũng sẽ gửi gắm
thông điệp mời chào du khách đến với vùng cao Tây Bắc.
Ở khu vực
trưng bày triển lãm Đặc trưng văn hoá Tây Bắc, điểm nhấn là bản sắc văn hoá
truyền thống mang tính đặc thù của từng dân tộc hay từng vùng cư trú thông qua
các hình ảnh, sưu tập hiện vật.
Bà Nguyễn
Thị Hoa nhấn mạnh, ở đây, người xem sẽ bắt gặp những hình ảnh rất đặc trưng của
miền cao Tây Bắc. Đó là hoa ban mùa xuân; là cọn nước, thuyền đuôi én, là ngôi
nhà sàn Thái có khau cút, tạy ho; là ngôi nhà và hàng rào đá có cô gái Mông
đang xay ngô...
Nếu như Hoà
Bình giới thiệu trống đồng, cồng chiêng, mo Mường hay góc bếp của người Mường
thì Sơn La lại trưng bày những bộ sưu tập y phục, trang sức, khăn piêu, sách
Thái cổ, sách Dao cổ.
Người xem
cũng bắt gặp nét đặc trưng của Điện Biên qua hình ảnh các di tích lịch sử, danh
lam thắng cảnh, kiến trúc. Góc trưng bày của Lào Cai “khoe” nét quyến rũ của
những phiên chợ Bắc Hà cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, là
một Lai Châu rực rỡ sắc màu, một Yên Bái đậm đà bản sắc.
Đi qua miền
Tây Bắc, công chúng thủ đô còn được thưởng thức nhiều chương trình VHNT, các lễ
hội và trò chơi dân gian truyền thống được các nghệ nhân, diễn viên các tỉnh
Tây Bắc đưa về Hà Nội.
Ông Phạm
Văn Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT VN cho biết, đây là chương trình
hưởng ứng Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam, kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5
và sinh nhật Bác 19/5. Các địa phương trong khu vực Tây Bắc gồm Hoà Bình, Sơn
La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đều đã chọn lựa những giá trị tinh
tuý, đại diện cho bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc để đưa về Hà Nội với
mục đích mang đến cho công chúng thủ đô và du khách những ấn tượng thực sự sâu
sắc.
Chương
trình sẽ kết thúc ngày 28/4.