Vừa qua, đoàn làm phim tài liệu của chương trình “The rivers of life” (chiếu trên kênh truyền hình PBS Television của Thái Lan) đã sang Việt Nam làm phim về cuộc sống của người dân ven sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nhân dịp này, bà Peeyada Prasutsaengchan (Kew) – Trưởng đoàn làm phim đã cho biết cảm nhận của mình về Việt Nam.
|
Bà Peeyada Prasutsaengchan đang chỉ đạo phóng viên quay cảnh sông Sài Gòn từ tòa nhà Bitexco (TP. HCM) |
“Với tôi, đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, nhưng đoàn làm phim “Spirit of Asia” của chúng tôi đã đến Việt Nam rất nhiều lần để thực hiện các chương trình phim tài liệu trên khắp mọi miền đất nước. Mục đích của chương trình phim tài liệu “The rivers of life” là nhằm ghi lại những hình ảnh sinh động nhất về đời sống của người dân và mối quan hệ giữa đời sống của người dân các nước khu vực ASEAN gắn bó với các dòng sông, nhằm khuyến khích người dân hiểu biết được tầm quan trọng của sông đối với con người. Từ đó, giúp họ nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ, khai thác tài nguyên, phát huy giá trị của các dòng sông”.
Từ ngày 13/4/2012, chương trình đã được phát sóng từ 22h00’ đến 23h00’ vào thứ sáu hàng tuần. Và tập phim được đoàn làm phim Thái Lan thực hiện đợt này sẽ được chiếu vào khoảng giữa tháng 6/2012. Khán giả có thể xem chương trình này trên kênh Thai PBS Television hoặc trên website: http://program.thaipbs.or.th/documentary hoặc http://www.facebook.com/Theriversoflife.
Lần đầu tiên bà Peeyada Prasutsaengchan đến Việt Nam, lại đến với vùng sông nước của đồng bằng sông Cửu Long, vào dịp bắt đầu mùa mưa, cho nên bà đã rất ấn tượng về vùng đất này; đặc biệt là chợ nổi, (chợ nổi Ngã năm ở tỉnh Sóc Trăng) nơi gặp gỡ của rất nhiều con sông nhỏ. Nó đã mang đến những cơ hội giao lưu cho con người từ các vùng miền khác nhau, với rất nhiều hoạt động sống động hấp dẫn như trao đổi, mua bán hoa trái và những vật dụng đời sống hàng ngày, thú vị và êm đềm trên sông nước! Mùa mưa đến đem lại cho cây trái trên khắp các ruộng vườn một màu xanh biếc trù phú khiến đồng bằng sông Cửu Long như “những con rồng xanh” đầy sức sống của Việt Nam.
Bà Peeyada Prasutsaengchan còn cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng du lịch to lớn và là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách, bởi vì ở đây có rất nhiều tài nguyên và phong cảnh đẹp trên đất liền, trên những dòng sông, kênh rạch và ở các vùng biển, nơi điểm cuối của dòng Mê Kông tiếp giáp với biển Đông. Để phát triển du lịch ở đây một cách hiệu quả nhất, theo kinh nghiệm của Thái Lan, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền giáo dục ý thức của người dân địa phương và du khách nhận ra được giá trị của nguồn tài nguyên của khu vực. Họ phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên giá trị này để phát triển du lịch bền vững; cần nghiên cứu, đầu tư để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang nét riêng của vùng đất này, ngoài ra cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, quảng bá để thu hút du khách. Với những tiềm năng và lợi thế to lớn, trong tương lai, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thực sự là một trong những điểm đến du lịch, khám phá đầy hấp dẫn của du khách gần, xa.