Xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo di tích gò Đống Đa
Cập nhật: 08/06/2012
Vừa qua, tại Hà Nội, UBND quận Đống Đa đã tổ chức cuộc hội thảo bàn về phương án tu bổ, tôn tạo di tích gò Đống Đa (Hà Nội).


Tổ chức lễ hội gò Đống Đa dưới chân tượng đài vua Quang Trung

Tham dự hội thảo có các nhà quản lý di tích, các chuyên gia đầu ngành về sử học như: Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tiến sỹ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam…

Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm khánh thành, chuyện Công viên văn hóa Đống Đa được đưa ra bàn thảo. Theo đánh giá của Viện Bảo tồn di tích, gò Đống Đa hiện có diện dích hơn 6.000m², có nhiều công trình cổ như: miếu Trung Liệt (hay còn gọi là đền Trung Liệt), tượng đài vua Quang Trung, các phù điêu, sân lễ hội… Tuy nhiên, trải qua thời gian, các hạng mục này đã bị xuống cấp. Riêng miếu Trung Liệt chỉ còn dấu tích nền móng.

Theo đánh giá thực tế, hiện nay, việc phát huy hiệu quả giá trị của khu công viên này chưa cao. Do đó, Viện Bảo tồn di tích (đơn vị tư vấn) và Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO) đưa ra hướng bảo tồn với các phương án như:

Phương án 1: Giữ nguyên khu tượng đài vua Quang Trung nhưng phục dựng lại miếu Trung Liệt tại vị trí cũ (trên đỉnh gò); mở rộng và cải tạo lối vào di tích hiện nay, dựng lại cổng vào; tôn tạo khoảng sân phía trước gò thành sân lễ hội; quy hoạch lại cảnh quan cho phù hợp với tính chất khu di tích.

Phương án 2: Tu bổ lại tượng vua Quang Trung bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, khắc phục hư hại về kết cấu, đảm bảo tồn tại lâu dài; di chuyển các phù điêu tượng đài cho phù hợp với quy hoạch mới; xây dựng một lầu bát giác trên đỉnh gò nhằm vừa tạo điểm nhấn, vừa lưu giữ dấu tích miếu Trung Liệt; xây dựng đền thờ vua Quang Trung tại vị trí tiếp giáp với đường Đặng Tiến Đông; tôn tạo lại cổng phía đường Tây Sơn để cổng này trở thành cổng chính.

Ngoài ra, đơn vị tư vấn thiết kế cũng đề xuất thêm phương án quy hoạch nhằm ghép tượng đài mới và đền thờ vua Quang Trung thành một quần thể tham quan. Đền quay về hướng Nam, phía trước là tượng đài quay về hướng Bắc. Lối vào chính từ đường Đặng Tiến Đông đối diện là các phù điêu thể hiện sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây từ mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều ý kiến, tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu đề xuất để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quan trọng này. Để đi đến ý kiến đồng nhất, chắc chắn các nhà quản lý và các chuyên gia vẫn còn phải rất cân nhắc, thận trọng vì đây là một di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội mà người dân đã quen với sự tồn tại của nó hàng trăm năm nay.
Báo Hànộimới