Quận Hoàn Kiếm tận dụng thế mạnh để "hút" khách
Cập nhật: 12/06/2012
Nằm ở trung tâm Hà Nội, lại là địa bàn có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm từ lâu đã là lựa chọn của nhiều du khách khi tới thăm Thủ đô. Tuy nhiên, do chưa được quan tâm đầu tư và quản lý đúng tầm nên du lịch phố cổ chưa thực sự hấp dẫn du khách so với tiềm năng vốn có.

Phố cổ, nơi người người muốn khám phá

Thống kê cho thấy, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có tới 188 di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử cách mạng; hơn 300 khách sạn từ 1 đến 5 sao, gần 200 công ty lữ hành nội địa và quốc tế, các nhà hàng, công ty cung cấp dịch vụ, vận chuyển khách du lịch và rất nhiều cơ sở mua sắm, cửa hàng lưu niệm… Rất nhiều trong số kể trên nằm trên địa bàn phố cổ, nơi vốn dĩ đã rất đặc biệt với những công trình kiến trúc có tuổi hàng trăm năm và những phong tục tập tục góp phần tạo nên tinh hoa Thăng Long - Hà Nội. Với những lợi thế đó, phố cổ Hà Nội đang là điểm dừng chân "không thể nào quên" của khách du lịch quốc tế trong hành trình khám phá Thủ đô.

Để hình ảnh phố cổ Hà Nội ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn trong mắt du khách, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai đề án "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ" với 5 tiêu chí: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân bằng cách có ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội; giao tiếp, ứng xử có văn hóa thông qua việc giữ gìn nền nếp, gia phong, kính trên nhường dưới, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; có ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường; trang phục phải gọn gàng, lịch sự; kinh doanh phải đúng pháp luật… Thực hiện đề án trên, quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng cách in 250.000 tờ gấp phát đến từng hộ gia đình, các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn; tổ chức ký cam kết với từng hộ yêu cầu thực hiện các nội dung của đề án...

Mở rộng không gian đi bộ

   Du khách quốc tế tham quan căn nhà cổ 87 Mã Mây

Theo kế hoạch phát triển của thành phố Hà Nội, từ nay đến năm 2016, khu phố cổ sẽ trở thành trung tâm du lịch. Quận Hoàn Kiếm cũng phấn đấu đạt nguồn thu từ thương mại, du lịch chiếm tới 97-98% cơ cấu kinh tế của quận.

Để thực hiện được những mục tiêu này, ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng: Khu phố cổ Hà Nội cần có không gian cộng đồng để du khách cùng tham gia các hoạt động với người dân. Những khu trưng bày các món ẩm thực, giới thiệu mua sắm hàng lưu niệm, vui chơi giải trí... cần được mở rộng theo hướng hình thành tuyến phố đi bộ bền vững nhằm tạo điểm nhấn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Đồng quan điểm này, bà Cao Bích Lan cho biết: Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục cải tạo phố Lãn Ông, triển khai đề án cải tạo mặt đứng tuyến phố Hàng Bạc, đề án  "Khôi phục phố nghề kim hoàn - Hàng Bạc", "Mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm"...

Dưới góc nhìn của người trực tiếp quản lý phố cổ Hà Nội, ông Phạm Tuấn Long cho rằng: Việc cấp bách cần làm hiện nay là phải tổ chức được những tour du lịch gắn liền với phố nghề, đình thờ tổ nghề và các làng nghề truyền thống có đình thờ tổ nghề tại khu vực phố cổ. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần có chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân, khuyến khích họ truyền tải giá trị văn hóa đến với du khách. Thực tế đã chứng minh, nhiều khách du lịch quốc tế sau khi tham quan đình thờ tổ nghề ở 44 Hàng Bạc đã tìm đến 4 làng nghề làm bạc, kim hoàn ở ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Bình để tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc nghề này. Tại di tích 87 Mã Mây, 38 Hàng Đường, 28 Hàng Buồm… khi cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền tổ chức các hoạt động trưng bày gắn với làng nghề, phố nghề cũng thu hút đông khách tham quan hơn.

Trong con mắt của hầu hết du khách, phố cổ Hà Nội là di sản hiếm có tồn tại sau bao thăng trầm lịch sử. Hy vọng phố cổ Hà Nội sẽ được quan tâm đầu tư, khai thác đúng tầm để ngày càng hấp dẫn trong mắt du khách.
Báo Hànộimới