Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Cập nhật: 18/06/2012
Tối 16/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng.

Đại diện UNESCO trao Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Tới dự lễ đón nhận có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh lân cận; hơn 100 quan khách đại diện cho 35 nước tham dự Hội nghị tham vấn của Ủy ban quốc gia UNESCO các nước châu Á – Thái Bình Dương cùng hàng ngàn người dân xứ Thanh và các vùng phụ cận.   Với kết cấu 2 phần lễ và hội, buổi lễ được tổ chức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp và các giá trị “độc nhất vô nhị” của Thành Nhà Hồ đến bạn bè trong nước và quốc tế.  

Sau màn trống khai hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Thanh Hóa từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Thanh Hóa luôn kề vai sát cánh cùng với nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương đất nước; đồng thời không ngừng sáng tạo, trao truyền, bồi đắp truyền thống văn hóa, xây đắp nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị. Đặc biệt, Thành Nhà Hồ - một công trình quân sự, kiến trúc độc đáo, được nhân dân gìn giữ, bảo tồn hơn 600 năm qua, được đánh giá mang giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân cả nước. Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ cùng với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác được thế giới công nhận, sẽ tô đậm thêm nền văn hiến ngàn năm hết sức phong phú của dân tộc Việt Nam, góp phần để bạn bè thế giới hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam, mở ra triển vọng, cơ hội mới cho phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa Việt Nam.    

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các bộ nghành hữu quan, các nhà khoa học đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn, bảo tồn di sản; cảm ơn sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO trong việc công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới.  

  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu
Đồng chí nhấn mạnh, với việc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành Nhà Hồ từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, là cơ hội để chúng ta gìn giữ, phát huy tốt hơn nữa những giá trị của di sản. Đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm túc trong việc bảo tồn, phát huy theo Luật di sản của Việt Nam và công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới; nghiên cứu làm rõ thêm các giá trị của công trình, hiện vật còn nằm trong lòng đất; thực hiện tốt những cam kết với UNESCO về các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng rằng, với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, cùng với sự chung tay, góp sức của các Bộ, ngành Trung ương và nhân dân cả nước; sự ủng hộ giúp đỡ của quốc tế, những giá trị to lớn của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ cùng với các di sản văn hóa Việt Nam sẽ không ngừng được phát huy, bảo vệ trường tồn để truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.  

Thay mặt lãnh đạo, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, nơi vinh dự có được Di sản vô giá, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hứa sẽ cùng với nhân dân và các đơn vị, tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động đã cam kết với UNESCO nhằm tạo điều kiện để Di sản phát triển và trường tồn cùng dân tộc.  

Đồng chí nhấn mạnh: 600 năm trôi qua, với biết bao thăng trầm lịch sử, Thành Nhà Hồ vẫn sừng sững giữa trời xanh, thách thức với thời gian, tượng trưng cho tư thế hiên ngang, tinh thần bất khuất, kiên trung của các thế hệ người dân đất Việt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ giang sơn đất nước. Đứng trên mảnh đất này, chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của Hoàng thành, của Đàn tế Nam giao; sự trầm mặc ưu tư của Đền thờ nàng Bình Khương, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc về sức sáng tạo to lớn, khả năng lao động phi thường, cùng với những mất mát, đau thương mà nhân dân đã phải gánh chịu để làm nên một công trình đồ sộ, đặc sắc, được cả nhân loại thán phục, ngưỡng mộ và tôn vinh. Càng vui mừng, tự hào bao nhiêu khi Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, chúng ta càng phải có trách nhiệm cam kết với lịch sử, với nhân loại về việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị to lớn của Di sản này.    

Đồng chí cũng kêu gọi các ngành, các cấp, các tổ chức, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, hãy phát huy nội lực, làm hết sức mình để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, quảng bá di tích phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau.  

Chương trình nghệ thuật "Thành Nhà Hồ - Niềm tự hào đất Việt
Sau phần lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa thế giới đầy thiêng liêng và trang trọng là chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tựa đề “Thành Nhà Hồ – Niềm tự hào Đất Việt”. Chương trình do nhà văn Chu Lai viết kịch bản văn học, NSND Tiến Thọ làm cố vấn nghệ thuật, Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê làm cố vấn lịch sử và NSND Mai Tư chuyển thể kịch bản, đồng thời làm Tổng đạo diễn. Chương trình hội tụ hơn 800 nghệ sĩ chuyên và không chuyên thuộc các đoàn nghệ thuật trong tỉnh, sinh viên các Trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa - Nghệ thuật, Cao đẳng Thể dục – Thể thao và học sinh các trường THPT của huyện Vĩnh Lộc thể hiện.  

Với kết cấu 3 chương, chương trình nghệ thuật “Thành Nhà Hồ - Niềm tự hào Đất Việt” không chỉ giới thiệu những “đặc sản” của văn hóa xứ Thanh mà còn nhằm tái hiện lại lịch sử xây Thành đầy gian nan nhưng cũng vô cùng hào hùng, thể hiện trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời của nhân dân lao động. Chương 1: “Khát vọng thiên đô”, khái quát lịch sử đất nước Đại Việt cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV - thời kỳ suy thoái, bế tắc của nhà Trần, cùng khát vọng thiên đô nhằm củng cố, xây dựng lại giang sơn, xã tắc. Chương 2: “Huyền thoại xây Thành”, đặc tả quá trình xây thành với tất cả tinh hoa, trí tuệ, sức lao động tài tình của quân dân Đại Việt đã đổ xuống thành trì này. Chương 3: “Hoan ca”, là khúc khải hoàn ca hào khí toát lên từ tòa thành đá kỳ vĩ sẽ trường tồn cùng thời gian và dân tộc. Tài năng và công sức của cha ông đã thổi hồn vào đá vô tri để Thành Nhà Hồ mãi là biểu trưng cho sức mạnh tập thể của người dân Đại Việt.

ĐCSVN