Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân là đặc trưng của hình thái du lịch “homestay”. Không còn xa lạ trên thế giới, những năm gần đây, “homestay” đã bắt đầu được chú ý tại Việt Nam. Là một đất nước có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, “ homestay” là hình thức du lịch cần được phát triển tại Việt Nam.
|
Du khách quốc tế tham gia các sinh hoạt hàng ngày cùng người dân bản địa
|
Trong tiếng anh “home” có nghĩa là “nhà”, “stay” có nghĩa là “ở”. Du lịch “homestay” được bắt nguồn từ nhu cầu của du khách muốn tiếp cận, gần gũi, được tìm hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, đời sống hàng ngày và con người hay ẩm thực… tại nơi đến tham quan du lịch. Khác hẳn với hình thức du lịch nghỉ dưỡng thường chọn những nơi nghỉ có chất lượng dịch vụ tốt, du lịch homestay chọn nhà dân bản địa cho khách du lịch nghỉ chân. Như vậy đồng nghĩa với việc khách du lịch sẽ cùng sinh hoạt với gia chủ mọi hoạt động trong gia đình, từ giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống đến hoạt động vui chơi giải trí… Tùy theo từng mục đích của du khách mà du lịch homestay có những thiết kế tour (chương trình) chuyên biệt. Nhưng hầu hết đều chọn cách ba trong một, tức “cùng ăn, cùng nghỉ, cùng chơi”. Bởi đối tượng khách du lịch của loại hình du lịch này rất háo hức tiếp cận triệt để văn hóa, con người, ẩm thực của điểm đến đã chọn. Homestay mang lại cảm giác gần gũi cho khách du lịch khi trực tiếp tham gia vào từng hoạt động của người dân địa phương. Chắc chắn khi chọn hình thức homestay, du khách sẽ không thể nào có được cảm giác thoải mái tuyệt đối như khi nghỉ dưỡng tại các khách sạn, resort…Nhưng thay vào đó, du khách lại được bù lại bằng những trải nghiệm rất đời thường, thực tế và thú vị. Hướng dẫn viên cho loại hình du lịch này thông thường là chính chủ nhà càng làm tăng thêm sự hấp dẫn cho du lịch homestay.
Việt Nam là đất nước giàu truyền thống văn hoá và có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, đất nước của các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của các vùng miền cũng hết sức đa dạng, độc đáo…Chính vì thế du lịch “homestay” là một hình thức du lịch phù hợp và dễ phát triển tại Việt Nam. Khác với các loại hình du lịch khác, "homestay" thường tổ chức ở những vùng nông thôn, làng bản có cảnh quan tươi đẹp, bản sắc văn hóa phong phú, hấp dẫn nên không cần phải xây dựng khách sạn, nhà nghỉ khang trang, đường sá hiện đại.
Năm năm trở lại đây, du lịch "homestay" phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Hội An (Quảng Nam)… mang lại hiệu quả thiết thực. Tại Sa Pa, khá nhiều người dân tộc thiểu số cư trú ở bản Tả Van, Tả Phìn, Cát Cát, Lao Chải,… đã trở thành hướng dẫn viên du lịch đầy kinh nghiệm. Đồng bào có thể vừa dệt thổ cẩm, vừa nấu nướng, đan lát, thêu thùa vừa nói chuyện bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài. Cách du lịch này giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt của người dân bản địa. Theo điều tra của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, đơn vị tài trợ cho dự án phát triển du lịch bền vững tại Sa Pa, thì hơn 70% số khách quốc tế đến Sa Pa có nhu cầu du lịch "homestay". Tại Hội An du lịch homestay được biết đến với hình thức nghỉ dưỡng gia đình, du khách cùng ăn ở sinh hoạt với gia chủ như một thành viên trong gia đình trong một thời gian dài. Còn tại tỉnh Hòa Bình, bản Lác (Mai Châu) là một điểm sáng trên bản đồ du lịch. Đến đây, du khách được sống trong các ngôi nhà sàn của người Thái, cùng họ dệt vải, sản xuất nông nghiệp, cùng đốt lửa nhảy sạp, múa quạt, thưởng thức các món ăn truyền thống như cơm lam, rượu Mai Hạ, cá suối, sản vật núi rừng...
Các công ty du lịch đã có kinh nghiệm nhiều năm đưa du khách đến sống với người dân theo hình thức du lịch homestay cho biết: So với các hoạt động kinh doanh lữ hành khác thì lợi nhuận từ mô hình du lịch homestay không cao nhưng khá triển vọng do nhu cầu du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa của một bộ phận du khách Châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng lớn. Tương lai, mô hình homestay sẽ là một trong những loại hình du lịch chủ đạo.
Như vậy có thể thấy, tuy là một loại hình du lịch còn khá trẻ tại Việt Nam nhưng du lịch homestay hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng phát triển mạnh trong tương lai nếu các công ty du lịch, lữ hành biết tận dụng và khai thác những thế mạnh của văn hóa - lịch sử Việt Nam.