(TITC ) - Tiềm năng du lịch
Tỉnh Điện Biên nằm ở vùng Tây Bắc của Việt Nam, có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, có đường biên giới quốc gia dài 400,861km (tiếp giáp với Lào và Trung Quốc), là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa trong khu vực và giữa các tỉnh tây bắc Việt Nam với các tỉnh bắc Lào, Vân Nam - Trung Quốc. Thành phố Điện Biên Phủ, trung tâm hành chính của tỉnh, cách Hà Nội 474km, có sân bay dân dụng phục vụ du khách theo tuyến Hà Nội – Điện Biên Phủ.
Đặc thù là tỉnh miền núi, Điện Biên có tiềm năng lớn về hệ sinh thái rừng, sông suối, hang động, hồ nước, nước khoáng nóng,... thuận lợi cho việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch thiên nhiên…
Điện Biên có nhiều di sản văn hoá, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, Điện Biên có di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ được cả trong nước và thế giới biết đến bởi gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng. Các làn điệu dân ca, lễ hội, các món ăn dân dã của các dân tộc vùng núi cao tạo sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Một số bản văn hóa du lịch của dân tộc Thái đã được quan tâm đầu tư nhằm phát triển du lịch cộng đồng như bản Him Lam 2, Phiêng Lơi, Noong Bua, Noong Chứn, bản Mớ…
Những đặc điểm trên đã tạo cho Điện Biên tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Hoạt động tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch
Hàng năm, Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Điện Biên. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia tích cực trong các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch tại các địa phương và trung tâm du lịch của cả nước như Hà Nội, Vũng Tàu, Lào Cai, Quảng Ninh…
Tỉnh đã thành lập Văn phòng Đại diện Thương mại và Du lịch Điện Biên tại tỉnh LuangPraBang – Lào. Hệ thống thông tin điện tử đang được hoàn thiện, Cổng thông tin điện tử được đưa vào sử dụng; thông tin về du lịch Điện Biên bước đầu được cung cấp rộng rãi; duy trì được các bài báo giới thiệu tiềm năng, sản phẩm và phản ánh hoạt động du lịch trên các báo, tạp chí, đài truyền hình trung ương, địa phương…
Ngoài ra, dựa trên các chương trình hợp tác phát triển kinh tế, du lịch, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đưa đón, trao đổi khách du lịch…
Trên cơ sở đó, ngành du lịch của tỉnh Điện Biên đã thu được những thành quả nhất định. Năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Điện Biên đã thu hút được sự chú ý ở cả trong và ngoài nước, từ đó đến nay lượng du khách trong và ngoài nước đến Điện Biên tăng liên tục hàng năm.
Lượng khách du lịch đến Điện Biên trong giai đoạn 2004-2010 đạt 1.392 ngàn lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,14 %/năm. Trong đó khách quốc tế đạt 184 ngàn lượt (chiếm 13,21% tổng lượng khách). Tổng thu từ ngành du lịch giai đoạn 2004-2010 đạt 574,9 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,8%/năm. Năm 2010, ngành Du lịch Điện Biên đón 305 ngàn lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 52 ngàn lượt, tổng thu đạt 150 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Năm 2011 đón 353 ngàn lượt, tăng 15,7 % so với năm 2010. Trong đó khách quốc tế đạt 64 ngàn lượt, tăng 23% so với năm 2010.
Mục tiêu và các giải pháp trong thời gian tới
Những năm qua, du lịch Điện Biên đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ như vậy, nhưng hiện nay, du lịch Điện Biên vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiều mặt hạn chế, yếu kém đã làm giảm khả năng thu hút khách du lịch. Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh; hiệu quả của các hoạt động kinh doanh du lịch còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao…
Do vậy, ngày 08/05/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ra quyết định số 377/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020”. Mục tiêu cơ bản của đề án nhằm tuyên truyền quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Tây Bắc và là một trong những trọng điểm của vùng Du lịch Trung du, miền núi Bắc Bộ. Qua đó thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn;… góp phần thu hút và tăng nhanh lượng khách du lịch đến Điện Biên. Tỉnh phấn đấu từ năm 2015, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 15%/năm; tổng thu du lịch năm 2020 đạt trên 900 tỷ đồng; thu hút được 8.000-10.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 2.500 người. Năm 2020 phấn đấu tạo việc làm cho 24.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp đạt trên 7.500 người.
Đề án cũng nêu cụ thể các giải pháp tỉnh sẽ thực hiện trong thời gian tới đây như việc: Xúc tiến thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn; Liên kết, hợp tác, hỗ trợ về chuyên môn kinh tế- kỹ thuật trong kinh doanh, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên…; Rà soát cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, như ưu đãi về thuế, vốn, đầu tư, đất đai, cơ sở hạ tầng…; Xây dựng và phê duyệt các quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong xúc tiến du lịch; Lựa chọn tổ chức một số hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh mảnh đất, con người Điện Biên tại các liên hoan, sự kiện du lịch do các tỉnh, thành phố trong nước, các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, Vân Nam Trung Quốc tổ chức; Xây dựng Trung tâm giới thiệu thông tin về du lịch Điện Biên tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ; Tổ chức giới thiệu tiềm năng du lịch của Điện Biên và các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 105 năm thành lập tỉnh tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Paris (Pháp)…
Để phát huy hết giá trị tiềm năng du lịch to lớn, đưa du lịch Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thì cần phải có nhiều giải pháp phát triển du lịch dài hạn và đồng bộ. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch có thể coi như là chất xúc tác, là đòn bẩy để phát triển du lịch, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của từng địa phương, từng quốc gia. Và “Đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020” thể hiện một trong những quyết tâm của lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong chiến lược phát triển du lịch Điện Biên.
Hương Lê