Hội thảo quốc tế ''Hợp tác phát triển kinh tế - du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây''
Cập nhật: 30/07/2012
(TITC) - Sáng ngày 28/7 tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo quốc tế Hợp tác phát triển kinh tế - du lịch hành lang kinh tế Đông – Tây. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ VHTTDL Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Tổng cục Du lịch Thái Lan, Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị; đại diện một số Bộ, ngành và tỉnh thành trong cả nước; chính quyền các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây của Lào, Thái Lan, Myanmar; các nhà nghiên cứu, quản lý; đại diện các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch…

Tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) là một trong 3 sáng kiến về hành lang kinh tế trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản khởi xướng. EWEC dài 1450km đi qua 19 tỉnh của 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Mục tiêu của việc hình thành EWEC là nhằm tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là các lĩnh vực như giao thông, năng lượng và du lịch…

Hơn 400 đại biểu đến dự hội thảo đã được nghe 8 bài phát biểu trực tiếp trong tổng số 23 tham luận của các diễn giả trong nước và quốc tế; đặc biệt có 5 bài tham luận trực tiếp của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Tổng cục Du lịch Thái Lan, Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam, Công ty One Asean Development (Thái Lan).

Các ý kiến phát biểu đều thống nhất nhận định, EWEC được hình thành sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên, trước hết là các địa phương của bốn quốc gia có tuyến hành lang kinh tế đi qua và rộng hơn nữa là Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Các tham luận tập trung nêu một số nội dung chủ yếu như: Đánh giá tiềm năng, lợi thế đầu cầu của Quảng Trị để phát triển kinh tế và du lịch; Xác định luận cứ khoa học để các địa phương trên tuyến đề ra chủ trương chính sách và giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường liên doanh, liên kết giữa Quảng Trị với các địa phương để khai thác có hiệu quả EWEC, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ…

Một số tham luận cũng chỉ ra rằng, hiện nay EWEC gần như là một hành lang giao thông, còn các lĩnh vực khác chưa thực sự phát triển như là một hành lang kinh tế. Ngay cả với chức năng là hành lang giao thông, trên thực tế  vẫn còn tồn tại một số vướng mắc khiến việc đi lại của du khách và hàng hóa trên EWEC vẫn chưa thực sự thông suốt (như thủ tục xuất nhập cảnh, thời gian làm việc giữa cửa khẩu các nước, xe tay lái nghịch…).

Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Lê Khánh Hải khẳng định, muốn phát triển kinh tế - du lịch trên EWEC cần phải tăng cường liên doanh, liên kết để khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trên toàn tuyến. Đồng thời các địa phương của 4 quốc gia cần tăng cường phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động vận tải liên quốc gia; xây dựng chương trình du lịch liên quốc gia nối với các tour du lịch nổi tiếng của Việt Nam như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường huyền thoại”, “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”… Đối với tỉnh Quảng Trị, cần khẩn trương xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thương mại, du lịch và dịch vụ phù hợp với chiến lược phát triển chung của toàn vùng. Trong đó chú trọng xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, tuyến, điểm du lịch có chất lượng cao; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng chiến lược marketing cho các thị trường, nhất là thị trường ASEAN; dành nguồn kinh phí thích đáng cho công tác quảng bá,… để nhanh chóng đưa kinh tế và du lịch Quảng Trị hội nhập và phát triển.



                                                                                                                                          Thế Phi