(TITC) - Mỗi tỉnh, thành phố trên khắp đất nước Việt Nam đều có những thế mạnh riêng để phát triển du lịch. Đối với Bến Tre, cây dừa đã gắn bó với người dân địa phương từ bao đời nay; đã đi vào văn học, thơ ca, âm nhạc và đặc biệt đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đem lại cuộc sống sung túc cho người dân bản địa.
Nhờ đặc trưng này, những năm qua, Bến Tre đã thu hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến để tham quan cảnh đẹp vườn dừa cũng như học hỏi kinh nghiệm trồng và nuôi dừa. Một trong những tour du lịch được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Bến Tre là tour tham quan vườn dừa và ca cao của ông Lâm Bảo Long, cơ sở sản xuất kẹo dừa Tuyết Phụng và cơ sở dệt lưới bằng chỉ xơ dừa Mai Văn Nhiên.
|
Du khách tham quan vườn dừa và ca cao của ông Lâm Bảo Long (Nguồn ảnh: Internet)
|
Khu vườn dừa và ca cao của ông Lâm Bảo Long (ấp Bình Công, xã Bình Phú, TP. Bến Tre) trải rộng trên diện tích 5.500m², trồng đan xen dừa và ca cao. Điểm đặc trưng của khu vườn là không chỉ có những luống đất trồng dừa và ca cao mà còn có cả những con mương nuôi cá, tôm càng xanh, tạo nên phong cảnh thiên nhiên hữu tình mang đậm nét miệt vườn sông nước Nam Bộ.
Tới đây, du khách sẽ có dịp thưởng thức hương vị của dừa xiêm, đặc biệt là món bánh tráng Mỹ Lồng – đặc sản của Bến Tre; đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm trồng xen dừa và ca cao của ông Long.
Cơ sở sản xuất kẹo dừa Tuyết Phụng (ấp 4, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam) là một điển hình trong việc xây dựng thương hiệu kẹo dừa Việt Nam. Đó cũng chính là lý do khiến sản phẩm kẹo dừa Tuyết Phụng được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Kẹo dừa Tuyết Phụng được sản xuất theo quy trình chuẩn, kết hợp giữa bí quyết truyền thống với công nghệ sản xuất hiện đại. Vì vậy, kẹo dừa Tuyết Phụng không chỉ thơm ngon, mang hương vị đặc trưng mà còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến đây, ngoài việc được tận mắt theo dõi quy trình sản xuất kẹo dừa, du khách còn có thể cùng làm kẹo dừa với người dân địa phương.
|
Nguồn ảnh: Internet
|
Nằm bên cạnh quốc lộ 60, cách TP. Bến Tre khoảng 20km về phía tây nam là cơ sở dệt lưới bằng chỉ xơ dừa Mai Văn Nhiên (ấp Hưng Long, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Nam). Đến cơ sở dệt lưới bằng chỉ xơ dừa Mai Văn Nhiên, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những tấm lưới bằng chỉ xơ dừa tuyệt đẹp và học cách làm những tấm lưới này.
Lưới bằng chỉ xơ dừa có cấu trúc giống lưới đánh cá. Loại lưới này được dùng làm thảm chống xói mòn nhằm giảm lực gió, bão và sóng biển với thời hạn sử dụng từ 3 đến 4 năm. Sau thời gian này, nó sẽ bị phân hủy và trở thành chất hữu cơ cho cây xanh.
Với hình thức khai thác thế mạnh du lịch của địa phương, Bến Tre không chỉ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn mà còn bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thanh Hải