Với địa hình gồm cả đồng bằng, rừng núi, sông hồ, biển đảo..., thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng cho Quảng Bình sự đa dạng hài hòa về cảnh quan thiên nhiên. Hơn nữa, do nằm ở vị trí trung chuyển của hệ thống trục giao thông quan trọng xuyên Việt như:
Tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh với hai nhánh Đông và Tây chạy suốt chiều dài của tỉnh; đường 20 và quốc lộ 12 nối với nước CHDCND Lào..., Quảng Bình đã và đang hứa hẹn nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch đa dạng, bền vững.
Tiềm năng chờ “đánh thức"
|
Đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (Nguồn ảnh: Internet)
|
Là vùng đất cổ, gắn liền với văn hóa Bàu Tró có niên đại cách đây trên dưới 4.000 năm, đến nay Quảng Bình còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như Quảng Bình Quan, Lũy Thầy, thành quách thời Trịnh - Nguyễn cùng nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Long Đại, đường 20 Quyết thắng và đặc biệt có hai nhánh Đông - Tây đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Quảng Bình còn là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hoá vật thể và phi vật thể của khu vực Bắc Trung Bộ do đó vẫn lưu giữ được những nét văn hoá đặc trưng riêng, thể hiện qua các lễ hội như: Hội bơi trải truyền thống; lễ hội rằm tháng Ba (huyện Minh Hoá), lễ hội Đập Trống MaCoong (huyện Bố Trạch); hát bài chòi và hội cướp cù (huyện Minh Hoá)...cùng các làn điệu dân ca mượt mà như: hò khoan Lệ Thuỷ, hát Kiều Quảng Kim, hát “sim” của người Bru – Vân Kiều…
Với dòng sông Nhật Lệ chảy giữa lòng thành phố; những lũy tre, rặng dừa; những dòng kênh bao quanh; những bãi tắm Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh, Đá Nhảy...nước trong, cát mịn và suối nước khoáng nóng Bang - nguồn nước khoáng duy nhất tại Việt Nam có nhiệt độ sôi tại lỗ phun lên tới 105 độ C...Tất cả là những tiềm năng đang chờ được “đánh thức”.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch nổi bật nhất của Quảng Bình chính là Phong Nha - Kẻ Bàng, địa danh đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với nhiều tiêu chí nổi trội về hệ thống địa chất, địa mạo được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng trong lòng hơn 300 hang động lớn nhỏ có giá trị hàng đầu thế giới.
Cùng với hệ thống hang động kỳ diệu, sông Troóc, sông Chày, sông Son trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi đá có rừng tạo nên cảnh đẹp thơ mộng như bức tranh thủy mặc quyến rũ. Cộng hưởng tất cả những yếu tố trên chính là điều kiện thuận lợi để du lịch Quảng Bình triển khai tổ chức nhiều loại hình du lịch, phục vụ cho nhiều đối tượng du khách khác nhau.
Trong những năm qua, Quảng Bình đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, đường điện, cung cấp nước sạch, bến cảng, sân bay. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cũng được nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới với chất lượng cao.
Các khu, tuyến, điểm du lịch được quy hoạch; các di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo; các làng nghề truyền thống, các lễ hội được khôi phục tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Bên cạnh đó là đội ngũ cán bộ công nhân viên phục vụ du lịch có kiến thức nghiệp vụ, tay nghề cao và tận tình với du khách. Nhờ vậy trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Quảng Bình ngày càng tăng nhanh. Từ năm 2006 – 2010, tổng khách du lịch đến Quảng Bình đạt 3.183.215 lượt, tăng bình quân 12,9%/năm. Đặc biệt trong năm 2011, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt gần 1 triệu lượt, trong đó có 18.000 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu đạt 424 tỷ đồng.
Với những thành công đó, trong định hướng phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2015, tỉnh xác định tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong GDP; tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách; tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển.
Như vậy, du lịch Quảng Bình phấn đấu đạt các mục tiêu: Tổng số lượng khách du lịch đạt 1,3 triệu lượt, trong đó có 37 nghìn lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 10,1%/năm với doanh thu du lịch đạt 46,40 triệu USD, tương đương 905,00 tỷ đồng; số cơ sở lưu trú du lịch đạt 200 cơ sở với tổng số 3.950 phòng, trong đó có ít nhất 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao trở lên; nguồn nhân lực du lịch đạt 21.400 lao động, trong đó có 6.700 lao động trực tiếp; thời gian lưu trú trung bình là 1,6 ngày/lượt khách.
Bên cạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình xác định đẩy mạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển du lịch địa phương nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn du khách.
Cùng với sự tham gia tích cực hơn nữa các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia về du lịch, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình cũng sẽ tạo dựng mối liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng và với các tỉnh của nước CHDCND Lào, Đông Bắc Thái Lan để đẩy mạnh phát triển du lịch ở các tỉnh miền Trung và trên tuyến hành lang Đông - Tây.
Trong thời gian tới, du lịch Quảng Bình tập trung ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đang là thế mạnh của tỉnh: du lịch hang động, du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.
Cùng với đó, ngành du lịch cũng sẽ chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo mang sắc thái riêng của Quảng Bình để nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển du lịch bền vững, nâng cao vị thế của du lịch Quảng Bình trên “bản đồ” du lịch cả nước.