Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2015, từ những định hướng phát triển ngành, các địa phương trong tỉnh đang cùng đồng hành bằng chiến lược cụ thể về phát triển sản phẩm và dự án trọng tâm.
Huyện Đạ Huoai với những thế mạnh về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ và phát triển rừng có sức tăng trưởng vượt bậc về tổng doanh thu ngành du lịch, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2010 là 38%. Xác định sản phẩm đặc thù trong phát triển du lịch, ngoài Khu du lịch rừng Mađagui hiện đang có sức hút mạnh mẽ về du lịch, nghỉ dưỡng cộng với vui chơi trong “thành phố trong rừng” rộng rãi, những sản phẩm mới có thể là niềm hy vọng cho thời gian sắp tới như: trồng hoa nguyên liệu kết hợp du lịch dưới tán rừng tại xã Đoàn Kết, Trung tâm nuôi - huấn luyện ngựa kết hợp du lịch tại xã Đạ Oai… Các dự án này đang triển khai để tiếp tục mở rộng và hoàn chỉnh hơn sản phẩm du lịch của một địa bàn chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150 km, có thể liên kết với Đà Lạt và Tp.HCM để hình thành tour du lịch liên vùng. Huyện Đạ Huoai hiện cũng đang khuyến khích nhân dân phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc quốc lộ 20. Đây cũng là địa phương chú trọng đến công tác quảng bá, chuyên nghiệp hóa trong lộ trình phát triển du lịch khi chủ động phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Lâm Đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để khảo sát tour du lịch vườn. Mục tiêu phát triển đã được cụ thể hóa bằng hoạt động kêu gọi đầu tư hai trạm dừng chân tại thị trấn Mađagui và thị trấn Đạ M’ri.
Du lịch Bảo Lộc những năm trở lại đây nổi bật bởi hoạt động tại Khu du lịch thác Đạm B’ri và Lễ hội Văn hóa trà được tổ chức 2 năm một lần. Với du khách, đặc sản “đem về làm quà” khi đến với thành phố này không thể bỏ qua là các sản phẩm trà, tranh bướm, thổ cẩm… Gần đây, Bảo Lộc trở thành một trong những địa chỉ dành cho du lịch cộng đồng (home stay) với nét đặc sắc từ các làng nghề thổ cẩm và nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Thành phố đã đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch từ con đường Lý Thái Tổ vào Khu du lịch thác Đam B’ri, đường vào thác Bảy Tầng… Tuy vậy, với tiềm năng của một đô thị lớn, xét về khía cạnh phát triển du lịch, Bảo Lộc vẫn còn rất nhiều “khoảng trống” đang bỏ ngỏ. Hiện thành phố kêu gọi đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật vào các dự án trọng điểm như: Khu công viên hồ Nam Phương, Khu du lịch núi Sa Pung, hồ Mai Thành… Phát triển thể thao theo chuyên đề hàng năm, Bảo Lộc đang hướng đến những loại hình phù hợp là: đua xe đạp, leo núi, marathon… Đặc biệt, địa phương gắn du lịch cộng đồng với chương trình phát triển nông thôn mới tại các xã Đạm B’ri, Lộc Châu…
|
Du khách tham quan khu du lịch Trúc Lâm Viên
|
Dọc quốc lộ 20, Khu du lịch Trúc Lâm Viên (tại huyện Đức Trọng) hoạt động vài năm nay đã nối liền những sản phẩm theo chiều dọc cho du lịch Lâm Đồng. Gần kề với Đà Lạt, Đức Trọng có nhiều thế mạnh về giao thông nhưng một số sản phẩm trước đây nay đã chựng lại như: thác Pongour, thác Gougar… Đức Trọng lâu nay cũng là điểm đến của khá nhiều du khách nước ngoài với các sản phẩm thổ cẩm tại làng K’Long cũng như du lịch tham quan vườn tiêu, vườn cà phê. Xác định sản phẩm cho giai đoạn mới, ông Trần Ngọc Hương, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cho biết, huyện phát triển theo hướng đẩy mạnh du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, vui chơi giải trí. Nâng cấp những khu, điểm du lịch hiện có và mở rộng du lịch sinh thái dưới tán rừng, phát triển các làng nghề truyền thống. Đáng chú ý là huyện cửa ngõ Đà Lạt chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, dịch vụ và các lễ hội: Lễ hội Rằm tháng Giêng tại thác Pongour, lễ hội Mơnhum Hơma của đồng bào Chu Ru. Các sản phẩm cụ thể đang được thúc đẩy hoàn thành đến năm 2015 là: công trình công viên cây xanh, siêu thị, chợ đầu mối nông sản, chợ hoa…