Là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, Bắc Giang có số lượng di sản văn hóa khá phong phú và đa dạng, trong đó nhiều di sản đã được vinh danh. Đây được xem là những "mỏ vàng" của ngành "công nghiệp không khói" cần được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch.
|
Chùa Vĩnh Nghiêm (Nguồn ảnh: Internet)
|
Du lịch văn hóa đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Bắc Giang, đây là loại hình du lịch có tiềm năng lớn và hứa hẹn nhiều triển vọng. Bắc Giang có nhiều lễ hội truyền thống, hơn 2 nghìn di tích lịch sử văn hóa, trong đó 116 di tích được xếp hạng quốc gia, cùng nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu được đông đảo du khách biết đến.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Long cho hay: "Bên cạnh nhu cầu vui chơi, giải trí, khi đặt chân đến một vùng đất, hầu hết du khách đều mong muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa địa phương. Công ty chúng tôi đã tổ chức một số tour du lịch cho khách quốc tế tới Bắc Giang, điểm đến trong hành trình là chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, Vân Hà. Tuy nhiên, Bắc Giang chưa tạo ra được những dịch vụ du lịch đặc trưng để thu hút du khách".
Xác định khai thác nét văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển du lịch, những năm qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh đã tích cực đầu tư bảo tồn những loại hình văn hóa đặc trưng của tỉnh. Nhiều di tích trọng điểm trên địa bàn được quan tâm tu bổ, tôn tạo như đình Thổ Hà, chùa Bổ Đà (Việt Yên); hệ thống lăng đá cổ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa); đình Phù Lão (Lạng Giang); khu di tích khởi nghĩa Yên Thế; chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng)… các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng như lễ hội Yên Thế, Xương Giang, vật cầu bùn làng Vân (Việt Yên); các mô hình truyền dạy hát dân ca quan họ, ca trù và dân ca các dân tộc thiểu số ngày càng được nhân rộng tại các địa phương… Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tìm hiểu về văn hóa địa phương của khách tham quan, đồng thời phát huy giá trị di sản.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, việc khai thác những di sản văn hóa đó phục vụ cho du lịch chưa hiệu quả, sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch không chặt chẽ, còn mang tính tự phát. Ví như nếu khách du lịch muốn nghe dân ca quan họ, ca trù hoặc hát soong hao, hát then và đàn tính (dân tộc Tày, Nùng)... tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh cũng không dễ có ngay. Ngoài ra, việc thiếu hướng dẫn viên am hiểu sâu sắc về văn hóa địa phương, truyền tải được giá trị của di sản đến du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các sản phẩm du lịch di sản chưa thu hút được đông đảo khách tham quan.
Trong tương lai, việc ưu tiên đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và điểm dừng chân cho du khách cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Đặc biệt là tiếp tục chú ý bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống. Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, khách sạn, nhà hàng ăn uống; tăng cường đào tạo đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn người dân tham gia tìm hiểu về di sản văn hóa của quê hương, từ đó họ sẽ tích cực tuyên truyền cho khách du lịch hiểu về vùng đất, con người Bắc Giang. Để giải quyết được những vấn đề trên cần tiếp tục nghiên cứu kỹ xây dựng các mô hình văn hóa, giải trí và du lịch cộng đồng, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp dịch vụ...
Thực tế cho thấy, du lịch và văn hóa luôn có sự gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển. Nếu di sản văn hóa được bảo tồn tốt, giá trị và tính hấp dẫn sẽ lớn hơn, đó cũng là cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm du lịch. Mặt khác, khi du lịch phát triển, các điểm đến sẽ có thêm những nguồn thu để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.