Nhãn lồng, tương Bần Hưng Yên được trao kỷ lục Việt Nam
Cập nhật: 20/09/2012
TITC - Nằm ở trung tâm khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng – vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Hưng Yên không những mang trong mình nhiều di tích lịch sử, văn hóa giá trị (Phố Hiến, đền thờ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu chủ tịch Hồ Chí Minh, làng Nôm, đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung…) mà còn có nhiều đặc sản ngon nổi tiếng khắp trong và ngoài nước; trong đó có nhãn lồng và tương Bần.

Vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xếp nhãn lồng ở vị trí thứ 12 top 50 đặc sản trái cây ngon và nổi tiếng nhất Việt Nam, tương bần đứng đầu trong top 10 đặc sản nước chấm và gia vị ngon nổi tiếng nhất Việt Nam. Kết quả bình chọn hoàn toàn dựa vào đánh giá, khảo sát thực tế chất lượng đặc sản cũng như mức độ tiêu thụ đặc sản của người tiêu dùng. Các sản phẩm này sẽ được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trong thời gian tới.

Nguồn ảnh (Internet)

Nhãn lồng là loại quả được trồng lâu đời ở Phố Hiến bên bờ tả ngạn sông Hồng. Tương truyền, xưa kia, nhãn lồng Hưng Yên được chọn là sản vật tiến vua, bởi đây là loại quả có vị ngọt tinh khiết, cùi dày, hạt nhỏ mà không vùng nào trong nước trồng được.

Thông thường nhãn lồng dùng để ăn tươi. Nhưng để tạo thêm sự hấp dẫn, nhãn lồng còn được chế biến thành nhiều món khác như: long nhãn sấy khô, chè long nhãn, long nhãn hấp cùng hạt sen…

Ngoài hương vị đặc trưng, theo y học cổ truyền, long nhãn còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh. Long nhãn tính bình, bổ tâm, bổ tỳ, dưỡng huyết an thần... nên có thể chữa các bệnh suy nhược thần kinh, mất ngủ, thận, tim, phổi, ho, trĩ,… Một thang thuốc bổ Đông y thường không thể thiếu long nhãn.

Nguồn ảnh (Internet)

Tương Bần là loại nước chấm do người dân ở thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào) làm ra. Nghề làm tương Bần có cách đây gần 10 thế kỷ.  Hiện nay, thị trấn Bần Yên Nhân có tới 20 cơ sở sản xuất tương quy mô lớn, mỗi năm sản xuất trên 10 triệu lít tương cho thị trường. Sản phẩm tương Bần đã được tặng thưởng nhiều huy chương, danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn.

Nguyên liệu làm tương chỉ bao gồm gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương (đậu nành) và muối. Để có nước tương thơm ngon, người dân địa phương phải áp dụng ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ cho lên men và phơi tương (ủ tương) ngoài trời nắng to. Nắng càng to thì tương càng vàng, càng sánh, dậy mùi đỗ. Nắng yếu, tương sẽ xỉn màu, ít mùi thơm. Bởi thế, một trong những bí quyết khiến tương Bần thơm, ngon, hấp dẫn thực khách chính là tương được làm vào mùa hè và mùa thu.

Đặc tính y học của tương cũng khá nổi bật. Tương được làm chủ yếu từ đậu nành. Theo các nhà nghiên cứu y học, đậu nành vốn giàu hàm lượng chất đạm protein. Đặc biệt khi đậu lên men, nó sinh ra các chất có khả năng chống ôxy hoá gấp khoảng 10 lần rượu vang đỏ và 150 lần so với vitamin C. Các chất chống ôxy hoá có tác dụng ức chế ảnh hưởng của các gốc tự do - là những nguyên tử không ổn định có khả năng tấn công và huỷ hoại mô, tế bào; tham gia vào quá trình lão hoá và một loạt các căn bệnh khác như Parkinson, ung thư, bệnh tim, huyết áp cao, đột quỵ... Ngoài ra, nước tương còn giúp con người cải thiện tới 50% lưu lượng máu chỉ vài giờ sau khi sử dụng.

Việc nhãn lồng và tương Bần được công nhận kỷ lục Việt Nam chính là đòn bẩy quan trọng để Hưng Yên tiếp tục lựa chọn đề nghị công nhận kỷ lục Việt Nam đối với các sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh như gà Đông Cảo, chuối tiêu hồng... Điều này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh thương hiệu ẩm thực Hưng Yên.


                                                                                                      Thanh Hải