Đặc sắc Lễ hội Lam Kinh năm 2012
Cập nhật: 27/09/2012
(TITC) - Nhân kỷ niệm 594 năm khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 2012), 579 năm ngày mất của Lê Lợi (1433 – 2012), từ ngày 6 – 8/10/2012 (21 đến 23/8 âm lịch), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2012 tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) - quê hương của người anh hùng Lê Lợi. Đây là hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 của tỉnh Thanh Hóa.

 

                           Du khách tham quan khu di tích Lam Kinh

Lễ hội năm nay sẽ có nhiều hoạt động nổi bật như: lễ dâng hương tại các điểm di tích (đền thờ Lê Thái Tổ, khu lăng mộ Lê Thái Tổ, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, thái miếu nhà Lê và tượng đài Lê Lợi); biểu diễn văn nghệ (múa đèn - dân ca Đông Anh, múa xéc bùa, múa rồng, hát tân cổ giao duyên, tuồng chèo, cồng chiêng); các trò chơi, trò diễn dân gian (kéo chữ, múa kiếm, trò Xuân Phả, trò Chiềng, trò Sanh Ngô, trò Chuộc, trò Rủn); các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, ném còn, bắn cung, chọi gà, đi cà kheo, đấu vật, đấu võ); hội trại các làng văn hoá… Ngoài ra, đến với lễ hội, du khách sẽ có dịp tìm hiểu những nghi thức tế lễ cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử thời Lê; tham quan các gian trưng bày hiện vật, cổ vật thời Lê; thưởng thức các món ăn đặc sắc xứ Thanh (chè lam Phủ Quảng, bánh răng bừa, bánh gai Tứ Trụ, nem thính Thọ Xuân)…

Lễ hội Lam Kinh là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao đánh giặc, giữ nước của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, sáng lập ra vương triều Hậu Lê. Ngày 22/8 âm lịch năm 1433, nhà vua băng hà và được an táng tại vùng núi Lam Sơn (Thanh Hóa), nay là Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Hàng năm, cứ đến ngày này, nhân dân Thanh Hóa lại long trọng tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự. Việc tổ chức thành công lễ hội sẽ góp phần quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa, mảnh đất và con người xứ Thanh tới du khách; đồng thời khẳng định Khu di tích lịch sử Lam Kinh nói riêng và Thanh Hóa nói chung là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi muốn tìm về cội nguồn lịch sử dân tộc. 

Năm 1428, Vua Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi hoàng đế đã cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh rộng khoảng 30ha. Thành điện Lam Kinh phía bắc dựa vào núi Dầu, phía nam nhìn ra sông Chu, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ Vương. Qua các cuộc khai quật khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy, xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện... nguy nga tráng lệ.

Khu di tích Lam Kinh còn có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng ghi lại tóm tắt toàn bộ sự nghiệp của Vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn; Hựu Lăng - lăng Vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên - lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng - lăng Vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng - lăng Vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng - lăng Vua Lê Túc Tông; đền thờ Lê Lợi; đền thờ Lê Lai; đền thờ Bố Vệ.

 

                                                                                    Phạm Phương