(TITC) - Chiều ngày 26/9/2012, tại khu sinh thái Âu Cơ (phường Ngọc Châu, Tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo “Điểm đến du lịch Hải Dương” nhằm đánh giá thực trạng các điểm đến của Hải Dương; đồng thời đưa ra những giải pháp để phát triển ngành du lịch Hải Dương trong thời gian tới.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo có Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương Nguyễn Thanh Hải; đại diện các vụ, đơn vị của Tổng cục Du lịch và Sở VHTTDL Hải Dương; các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh cùng cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương…
Tại hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương Lương Văn Cầu đã giới thiệu tiềm năng du lịch của Hải Dương. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với diện tích 1.665,9km², Hải Dương có tài nguyên du lịch tự nhiên tương đối phong phú và đặc sắc bao gồm cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái hồ, rừng, hang động..., trong đó nổi bật là khu du lịch Côn Sơn, đảo Cò Chi Lăng Nam… Nằm đan xen giữa các danh thắng tự nhiên là hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn với gần 3.000 di tích văn hóa - lịch sử, trong đó có 146 di tích được xếp hạng quốc gia, 159 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, tiêu biểu như: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Kính Chủ, đền Chu Văn An, đền Nguyễn Trãi, đền Tranh... Tại các di tích này, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian. Với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, Hải Dương giữ vị trí quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, tỉnh đã đón 370.000 lượt khách lưu trú, trên một triệu lượt khách du lịch dừng chân mua sắm. Ngoài ra, các điểm di tích nổi tiếng như Côn Sơn – Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ, đền Tranh, đền Cao đã đón hàng triệu lượt khách hành hương. Mỗi năm, ngành du lịch đóng góp trên 500 tỷ đồng vào GDP của tỉnh.
Ông Cầu cũng cho biết thêm, tỉnh Hải Dương đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; đầu tư xây dựng khu Côn Sơn-Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia; tiếp tục thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng ở Côn Sơn; du lịch hội thảo, vui chơi giải trí ở thành phố Hải Dương và du lịch du khảo làng quê ở các vùng Nam Sách, Thanh Hà, Thanh Miện…
Đa số các ý kiến đại biểu đều cho rằng: Hải Dương là một điểm đến tiềm năng, có nhiều di tích mang tầm quốc gia, người dân thân thiện… Tuy nhiên, ngành du lịch Hải Dương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: hệ thống sản phẩm du lịch còn manh mún, chưa có sự liên kết, chưa chuyên nghiệp; thông tin về sản phẩm du lịch Hải Dương còn thiếu; chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn; chưa có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư du lịch…
Kết luận hội thảo, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh: “Thời điểm này, Hải Dương nên tập trung vào du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, cần bắt tay vào khắc phục những mặt hạn chế, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để giữ được hình ảnh, thương hiệu; đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hải Dương trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Trước đó, trong 2 ngày 25 và 26/9, Tổng cục Du lịch và Sở VHTTDL Hải Dương đã tổ chức chương trình Famtrip du lịch Hải Dương nhằm khảo sát một số tuyến, điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn tỉnh như: đền Chu Văn An, đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, làng gốm Chu Đậu, đảo Cò, đền Tranh, cơ sở sản xuất bánh gai Ninh Giang, múa rối nước Hồng Phong, khu sinh thái Âu Cơ.
Chương trình nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch Hải Dương tới các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tăng cường giao lưu, hợp tác giữa địa phương với các doanh nghiệp; góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người Hải Dương đến các nhà đầu tư cũng như du khách trong và ngoài nước; đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, riêng biệt, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.
Phạm Phương