Đồng chí Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng VH-TT Hoàng Su Phì cho biết: Sau lễ tôn vinh được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã đón trên 1 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan.
Ngoài lượng khách nước ngoài đi theo tour du lịch khám phá, theo hình thức “phượt” thì du khách đến từ các tỉnh, thành trong nước cũng tăng gấp nhiều lần so với thường kỳ. Tuy nhiên, khách du lịch đến Hoàng Su Phì chủ yếu mang tính tự phát, họ thường vào thẳng các điểm di sản ruộng bậc thang, ăn nghỉ tại thôn, bản và tham gia sinh hoạt văn hoá với người dân bản địa. Đây là sự khởi đầu tốt đẹp, mở ra hướng phát triển loại hình kinh doanh, dịch vụ gắn với du lịch cho chính chủ sở hữu những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Nhưng nó cũng đòi hỏi cơ quan chức năng phải quy hoạch cụ thể hạ tầng du lịch, có chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour, tuyến du lịch để du khách có thêm nhiều thông tin và đến tham quan ruộng bậc thang vào tất cả các thời điểm trong năm. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là một công trình kiến trúc tuyệt vời, được hình thành từ bàn tay, khối óc, sự sáng tạo và lòng yêu lao động của các tộc người nơi đây. Du khách đến với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào bất kỳ thời điểm nào trong năm đều cảm nhận được vẻ đẹp riêng, hiếm nơi nào có được.
Ruộng bậc thang được hình thành trong quá trình cải tạo tự nhiên, mở rộng diện tích canh tác lúa nước của đồng bào các dân tộc sinh sống khắp dải đất Hoàng Su Phì. Ruộng bậc thang tập trung nhiều nhất ở các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Sán Sả Hồ, Bản Luốc, Bản Phùng, với tổng diện tích trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ và được công nhận di sản gần 765 ha. Đây là hình thức canh tác độc đáo, phản ánh đậm nét những tập tục sinh hoạt của người dân nơi đây... Mỗi dân tộc có quan niệm, cách lựa chọn vùng đất, phương thức canh tác khác nhau, từ đó dệt nên “bức tranh” ruộng bậc thang nhiều gam màu đặc sắc, ẩn chứa trong nó những tầng sâu giá trị văn hoá độc đáo.