(TITC) - Được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, lại là trung tâm lịch sử, văn hóa của miền núi Tây Bắc với quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu cùng bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của cộng đồng 21 dân tộc, Điện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với lịch sử.
|
Bản Mển |
Năm 2004, tỉnh đã bắt đầu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại 8 bản văn hoá thuộc huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, gồm: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Pe Luông và nổi bật là các bản Phiêng Lơi, Him Lam 2 (Tp. Điện Biên Phủ) và bản Mển (huyện Điện Biên). Các bản đều hoạt động theo mô hình chung, lập ra một đội từ 15 – 20 người chuyên hướng dẫn khách tham quan, phục vụ ẩm thực, văn nghệ và đảm bảo an ninh cho du khách. Khi có khách đến bản, trưởng bản trực tiếp phân công người đón và phục vụ khách tại khu vực khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng.
Chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa là điều kiện tốt để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, nhiều gia đình đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, đặc biệt là khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng lại một số lễ hội truyền thống... Trước đây, đời sống kinh tế của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nhưng nay đã được cải thiện đáng kể do biết cách làm du lịch cộng đồng dưới nhiều hình thức.
|
Biểu diễn văn nghệ tại bản Che Căn |
Đến các bản dân tộc Thái ở Điện Biên, du khách sẽ có dịp tham gia các sinh hoạt thường ngày cùng người dân (cấy lúa, đan lát, dệt thổ cẩm); thưởng thức những món ăn dân dã, mang hương vị núi rừng, được chế biến cầu kỳ như: cá nướng, thịt gói lá nướng, măng rừng... cùng những gia vị chỉ có ở vùng Tây Bắc như: chẳm chéo, mắc khén… Khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa bập bùng, du khách lại được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc với những lời hát, điệu xòe đặc trưng của dân tộc Thái.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động du lịch cộng đồng ở Điện Biên vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết như: các bản đón khách du lịch đều là bản dân tộc Thái, dịch vụ trùng lặp (ẩm thực và văn nghệ), không có sản phẩm đặc thù cung cấp cho du khách; việc triển khai thực hiện phát triển du lịch cộng đồng của cán bộ quản lý du lịch các bản còn nhiều lúng túng; nhiều công trình xuống cấp chưa được đầu tư, tu sửa; công tác xã hội hóa các hoạt động du lịch phục vụ khách tại các bản còn nhiều hạn chế; vấn đề an ninh biên giới còn nhiều bất cập...
|
Nhiều bản văn hóa mới sẽ được xây dựng nhằm thu hút khách |
Để khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã xây dựng Đề án xây dựng bản văn hóa dân tộc giai đoạn đến năm 2015, trong đó lựa chọn thêm 10 bản văn hóa nằm trên các tuyến du lịch quan trọng của tỉnh gắn với các dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú... tại các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Chà và Tp. Điện Biên Phủ. Sau khi được đầu tư xây dựng, các bản phấn đấu hàng năm đón và phục vụ 10 - 15% tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên. Cụ thể, năm 2015 đón khoảng 55 nghìn lượt khách, trong đó có 12 nghìn lượt khách quốc tế; trung bình mỗi bản đón và phục vụ trên 4 nghìn lượt khách du lịch/năm (trong đó có khoảng 20% khách quốc tế); thời gian lưu lại bình quân là 1 - 1,2 ngày/ lượt khách. Để đạt được mục tiêu này, Điện Biên sẽ tập trung đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ việc đón khách tại các bản, khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm, phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho đồng bào tại các bản.
Cùng với các địa phương khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Điện Biên đang từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình du lịch cộng đồng nhằm tạo cơ hội cho người dân làm chủ đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên, văn hóa và danh thắng. Đây là hướng đi đúng đắn không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho bà con thôn bản mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc Điện Biên.
Phạm Phương