(TITC) - Nằm ngay sát thị trấn Bắc Hà, xã Tà Chải (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) có 9 thôn, bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Đến Tà Chải, du khách không chỉ có dịp dạo quanh bản làng trên những con đường nhỏ quanh co, ngắm nhìn những ngôi nhà sàn nhỏ xinh giữa bao la đồi núi, tham gia sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng điệu múa xòe độc đáo của đồng bào dân tộc Tày sinh sống nơi đây.
|
(Nguồn ảnh: laocai.gov.vn) |
Múa xòe có từ khi nào không ai biết, chỉ biết trước kia, điệu múa này chỉ biểu diễn phục vụ gia đình thổ ty Hoàng A Tưởng, quan khách và thống lý các vùng lân cận. Theo phong tục, vào đêm 30 Tết, khi tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới vang lên, người làm ở nhà thổ ty ra suối lấy nước mới thì đó cũng là lúc điệu xòe bắt đầu được biểu diễn.
Xòe Tà Chải có sự giao thoa, tiếp biến với điệu valse của Pháp. Trong thời gian giúp xây dựng dinh Hoàng A Tưởng (từ năm 1914 đến năm 1921) và ủng hộ sự trị vì của gia đình họ Hoàng, người Pháp đã đưa nhịp điệu của valse vào xòe khiến cho điệu múa này càng tăng thêm tính sôi động, vui tươi. Điều này đã tạo nên nét độc đáo và đặc sắc riêng cho điệu xòe Tày, khác với xòe Mường, xòe Thái.
Ngày nay, múa xoè trở thành hoạt động không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày ở Tà Chải. Mỗi khi có hội, có lễ (lễ lồng tồng, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới…), người Tày Tà Chải lại tổ chức múa xòe. Xòe để cây lúa thành bông, cây bông thành bắp, trai gái thành đôi, xòe để quên đi những mệt nhọc của cuộc sống bộn bề hàng ngày. Đặc biệt, nếu đến Tà Chải vào mùa Xuân, du khách sẽ có dịp tham dự hội xòe được tổ chức vào ngày 05/1 âm lịch để cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Sau khi thầy cúng làm lễ cầu khấn, trong tiếng trống, chiêng, tiếng kèn pí lè vang lên rộn rã, tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, nam nữ cùng nắm tay nhau, hoà mình vào những điệu xòe truyền thống hết sức sôi nổi.
Những điệu xòe được người Tày Tà Chải biểu diễn thường xuyên là xòe chiêng, xòe nghiêng, xòe đôi, xòe đập lúa… có từ thời Pháp thuộc. Ngoài ra còn có một số điệu xòe được cải tiến và sáng tác thêm là xòe nón, xòe mò cá… Những điệu xòe này đã làm nên thương hiệu của vùng đất giàu bản sắc văn hóa trên cao nguyên trắng Bắc Hà đầy thơ mộng.
Ngoài giá trị giải trí, các điệu xòe còn có vai trò gắn kết cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của đồng bào dân tộc Tày. Để khai thác thế mạnh và phát triển các điệu xòe truyền thống, xã Tà Chải đã thành lập 5 đội xòe ở các thôn Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lo, Na Lang và Na Hối. Mỗi đội thường có từ 12 - 15 nghệ sĩ nòng cốt, thường xuyên tập luyện để biểu diễn phục vụ du khách. Mặc dù nằm ngay gần trung tâm Bắc Hà nhưng những điệu xoè truyền thống ở đây vẫn được trân trọng, gìn giữ, phát huy. Đây là một trong những di sản văn hoá được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian quan tâm tìm hiểu cũng như du khách trong và ngoài nước yêu thích; đặc biệt đang được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Múa xòe đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày Tà Chải. Cũng chính bởi nét quyến rũ và độc đáo của những điệu xòe mà khi rời xa mảnh đất này, trong lòng mỗi du khách vẫn còn vương vấn theo những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng cũng như ấn tượng sâu sắc bởi sự đằm thắm, duyên dáng của thiếu nữ Tày và sự gần gũi, mến khách của đồng bào dân tộc địa phương.
Phạm Phương