Lào Cai đi tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng
Cập nhật: 26/10/2012
(TITC) - Nằm ở vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc, mang trong mình nhiều giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, Lào Cai là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái và văn hóa, góp phần nâng cao đời sống cho người dân bản địa.
                               Phong cảnh bản Tả Phìn (Sa Pa)

Với phương châm “Lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch”, từ năm 2005, Lào Cai đã triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng tại 2 xã Bản Hồ (tiêu biểu là thôn Bản Dền) và San Sả Hồ (tiêu biểu là thôn Cát Cát) thuộc huyện Sa Pa. Những năm gần đây, với chương trình “biến di sản thành tài sản” và “mỗi cộng đồng, mỗi làng bản có một sản phẩm mang tính đặc trưng giúp người dân xóa đói giảm nghèo”, hoạt động du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã đạt được những kết quả tích cực, thu hút rất đông du khách. Hiện nay, Lào Cai đã xây dựng được 13 điểm du lịch cộng đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Pa và Bắc Hà.  

Đến Sa Pa, du khách có thể lựa chọn nhiều tuyến du lịch cộng đồng như: thị trấn Sa Pa – Ý Linh Hồ – Lao Chải - Tả Van; Lao Chải – Tả Van – Bản Hồ – Thanh Phú – Nậm Sài –  thị trấn Sa Pa hay thị trấn Sa Pa – Tả Phìn – Móng Sến – Tắc Cô – thị trấn Sa Pa…, trong đó có nhiều điểm du lịch được khách nước ngoài đặc biệt quan tâm như: bãi đá cổ (thuộc các xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van), điểm du lịch thôn Tả Phìn (xã Tả Van), điểm du lịch Cầu Mây ở thôn Tà Chải (xã Bản Hồ)... Huyện Bắc Hà lại tập trung xây dựng mô hình làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai), Na Lo (xã Tà Chải), Bản Phố 2A (xã Bản Phố), Tả Van Chư (xã Tả Van Chư)…    

             Du khách nước ngoài tham quan, mua sắm tại chợ Bắc Hà

Thực tế cho thấy, du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến Sa Pa và Bắc Hà thường thích đi thăm những bản làng dân tộc để cùng sống và sinh hoạt với dân bản, cùng dân bản nấu ăn, thực hiện các công việc nhà nông, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian và mua những sản phẩm thổ cẩm, mỹ nghệ, mây tre đan làm quà lưu niệm. Đặc biệt, số lượng các hộ gia đình cung ứng dịch vụ homestay liên tục gia tăng ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Hiện xã Tả Van (Sa Pa) có 42 hộ, xã Bản Hồ (Sa Pa) có 24 hộ, xã San Sả Hồ (Sa Pa) có 10 hộ, xã Trung Đô (Bắc Hà) có 14 hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ homestay. Doanh thu của các hộ gia đình này khá cao, bình quân đạt 25 - 27 triệu đồng/hộ/năm (xã Tả Van), 35 - 40 triệu đồng/hộ/năm (xã Trung Đô). Đời sống của người dân địa phương đã được cải thiện đáng kể.    

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch cộng đồng, Lào Cai cũng đã đưa vào khai thác thử nghiệm 3 tuyến du lịch cộng đồng mới, trong đó điểm nhấn là một số điểm thuộc huyện Mường Khương và Si Ma Cai, đó là: tuyến Tp. Lào Cai – Hàm Rồng – Vang Leng – Cao Sơn (Mường Khương) – Cốc Ly (Bắc Hà) – Tp. Lào Cai; tuyến Tp. Lào Cai – thác nước Tà Lâm – Pha Long – Tả Gia Khâu (Mường Khương) - Bản Mế (Si Ma Cai) – Tp. Lào Cai và tuyến Tp. Lào Cai - Lùng Khấu Nhin – thôn Mường Lum, xã La Pán Tẩn (Mường Khương) - Bản Cầm (Bảo Thắng) – Tp. Lào Cai.  

                          Cơ sở lưu trú tại thôn Trung Đô (Bắc Hà)

Mặc dù có nguồn lực du lịch phong phú, song hoạt động du lịch cộng đồng ở Lào Cai vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: các dịch vụ cung cấp cho du khách chưa phong phú, mới chỉ dừng lại ở mức độ hài lòng; người dân các thôn, bản chưa có khả năng tiếp xúc với công nghệ, phụ thuộc vào người điều hành tour nên thu nhập chưa cao; hoạt động du lịch cộng đồng nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa các hộ dân với nhau; cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng còn thiếu đồng bộ, chưa được đầu tư đúng mức; chưa phát huy hết giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc để tạo thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ…  

Để khắc phục tình trạng này, Tổ chức Phát triển du lịch Hà Lan khuyến nghị Lào Cai cần phát huy hiệu quả mô hình liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà": Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng; hộ gia đình tham gia làm du lịch có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hoá dân tộc; các doanh nghiệp tăng cường quảng bá đưa du khách đến tham quan, đầu tư vào các khu du lịch, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất tại các điểm du lịch cộng đồng; và các nhà tư vấn giúp người dân có những biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.  

Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng để người dân tích cực tham gia hoạt động du lịch; nâng cao trình độ văn hoá và đề cao vai trò của người dân trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng; quy hoạch một số mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng; thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng tại một số xã để quản lý hoạt động du lịch cộng đồng chuyên nghiệp hơn; tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống, duy trì các phiên chợ văn hóa vùng cao nhằm hướng tới việc khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương…  

Hy vọng, trong thời gian tới, với những giải pháp đồng bộ và kịp thời, Lào Cai sẽ biến tiềm năng thành thế mạnh, khai thác có hiệu quả hoạt động du lịch cộng đồng, khẳng định vị thể tiên phong của địa phương trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.  

Phạm Phương