Khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ có tài nguyên du lịch (DL) phong phú, đa dạng với 3 loại hình cơ bản là DL biển, sinh thái và văn hóa.
|
Khách DL Tây Nguyên tham gia tour tham quan biển đảo Quy Nhơn
|
Những năm qua, hoạt động DL ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ khá nhộn nhịp, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, ngoài một số địa phương ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ có cơ sở hạ tầng - kỹ thuật DL được đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều địa phương còn hạn chế về cơ sở hạ tầng - kỹ thuật DL; cơ sở lưu trú, giao thông, phương tiện vận chuyển khách DL… chưa được đầu tư đúng mức; sản phẩm DL còn nghèo nàn; phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp…
Xác định liên kết phát triển DL Tây Nguyên - Nam Trung bộ sẽ tạo ra những sản phẩm DL đặc thù, hấp dẫn, mang thương hiệu vùng và có tính cạnh tranh cao…, năm 2010, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị liên kết phát triển DL khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Vào giữa tháng 10-2012, tại TP Pleiku (Gia Lai), Bộ VHTTDL lại tổ chức Hội nghị liên kết phát triển DL khu vực Tây Nguyên mở rộng, nhằm thông tin, trao đổi, học tập kinh nghiệm, liên kết phát triển DL giữa các tỉnh Tây Nguyên; giữa Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
Các Hội nghị này đã xác định: Cần tập trung xây dựng, quảng bá sản phẩm DL mới, có chất lượng cao, mang tính đặc thù của khu vực; tổ chức tốt công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư, liên kết vùng; phát triển cơ sở hạ tầng - kỹ thuật DL nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và giúp các tỉnh khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ tiếp tục phát triển thành những trung tâm DL hấp dẫn, nhộn nhịp du khách.
Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức các hoạt động chung, khảo sát các sản phẩm DL, xây dựng các chương trình xúc tiến chung, thúc đẩy quy hoạch cả 2 khu vực và nhiều hoạt động khác, tạo điều kiện cho DL các địa phương gắn kết, phát triển. Các doanh nghiệp (DN) DL ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ đã phối hợp tổ chức các tour, tuyến DL… và đạt được một số hiệu quả bước đầu. Song, nhìn chung các hoạt động liên kết đến nay vẫn chưa đáp ứng như mong muốn và chưa tương xứng với tài nguyên DL của các địa phương.
Liên kết phát triển DL Bình Định - Tây Nguyên
Sự phong phú và tính độc đáo, đặc sắc của tài nguyên DL các tỉnh Tây Nguyên và Bình Định là một lợi thế trong việc phát triển DL. Chính vì vậy, bên cạnh hoạt động liên kết giữa khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Bình Định đã chú trọng tổ chức hoạt động liên kết, hợp tác phát triển DL giữa 4 tỉnh: Bình Định – Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum; và giữa 3 tỉnh: Bình Định - Quảng Ngãi - Kon Tum với mong muốn phối hợp tốt hơn trong công tác xúc tiến, quảng bá DL; tạo ra sản phẩm liên kết vùng mang dấu ấn độc đáo, khác biệt, góp phần cho các địa phương trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế; từng bước tạo động lực cho DL 3 tỉnh Tây Nguyên và Bình Định, Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Trong năm 2011, Trung tâm Thông tin xúc tiến DL Bình Định đã tổ chức tour Famtrip cho 3 Trung tâm xúc tiến DL và 10 DN DL tại 3 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum tham quan, khảo sát một số điểm đến và sản phẩm DL tại Bình Định. Các sản phẩm: trượt cát trên đồi cát Phương Mai, thưởng thức đặc sản biển và bơi lặn biển ngắm san hô tại đảo Hòn Khô; tham quan Bảo tàng Quang Trung… đã tạo ấn tượng đặc biệt đối với các DN DL Tây Nguyên. Hội thảo phát triển DL Bình Định - Tây Nguyên cũng góp phần tạo điều kiện cho các DN DL kết nối các hoạt động, kết nối tour, tuyến để thu hút du khách.
Nhìn chung, hoạt động liên kết phát triển DL Bình Định - 3 tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, lượng khách đến các tỉnh đều tăng, nhất là khách DL ở Tây Nguyên đến Bình Định ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, các hoạt động liên kết mới chỉ bước đầu, còn nhiều việc phải làm, cần được quan tâm đẩy mạnh về nhiều mặt mới đáp ứng như mong muốn.
Ông Nguyễn Kim Khuê, Trưởng phòng Nghiệp vụ DL (Sở VHTTDL Bình Định), cho rằng: Liên kết phát triển DL các tỉnh Tây Nguyên và Bình Định cũng như các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ không chỉ là sự kết nối các sự kiện, mà phải dựa trên những nguyên tắc nhất định; đặc biệt là khai thác thế mạnh văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, sinh thái biển... để tạo nên các sản phẩm DL độc đáo và đặc trưng của từng vùng. Cần xâu chuỗi và liên kết tổ chức định kỳ 1-2 lễ hội văn hóa lớn của khu vực để tạo sản phẩm DL văn hóa độc đáo. Tập trung phát triển liên kết vùng, liên kết các tour, tuyến DL giữa các vùng đến Bình Định và ngược lại, xây dựng tour DL khám phá miền Trung-Tây Nguyên. Liên kết quảng bá, xúc tiến DL theo hướng xây dựng chiến lược quảng bá DL chung của toàn vùng dưới sự chủ trì của Tổng cục DL. Liên kết đào tạo phát triển nhân lực DL…
Theo các chuyên gia DL, để hoạt động liên kết, hợp tác phát triển DL giữa Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên đạt kết quả cao hơn, cần liên kết phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ DL, nhất là hạ tầng giao thông; phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác xúc tiến, quảng bá DL; liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực DL… Các DN DL cần đa dạng hóa sản phẩm DL và kết nối các tour, tuyến, khu DL; tập trung phát triển các sản phẩm DL liên quan đến các loại hình DL có thế mạnh của khu vực; xây dựng các sản phẩm cũng như các dịch vụ DL phù hợp nhằm kết nối các nguồn khách…