Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Krông Bông (Đắk Lắk) lần thứ VIII về bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được tăng cường và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Trên địa bàn huyện Krông Bông hiện có 207 bộ chiêng, 270 nghệ nhân biết sử dụng và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc như Đinh Năm, Đinh Klướt, Ky Pá, Đinh Tạc Tà…, gần 400 nghệ nhân biểu diễn Aray, kưt, kể khan và các điệu múa dân gian; một số lễ hội truyền thống của người Êđê, M’nông như lễ cúng bến nước, bỏ mả, cúng cơm mới, mừng lúa mới, cúng Kpan vẫn được duy trì thường niên.
Để triển khai hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa, huyện Krông Bông đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường nhiệm vụ tuyên truyền về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ… Đặc biệt, địa phương xác định hai đối tượng cần chú trọng là đồng bào các dân tộc thiểu số và thế hệ thanh thiếu niên, bởi như lời của già Y Tul (buôn Chàm, xã Cư Drăm) thì: “Bọn trẻ mà quên truyền thống văn hóa của đồng bào mình thì người lớn có bảo tồn cách nào đi nữa cũng vô ích”.
Với những nỗ lực đáng kể, 5 năm qua, 70% các buôn khôi phục được các nghi lễ truyền thống, những buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao đều giữ được ít nhất một lễ hội đặc trưng. Đặc biệt, năm 2011 lễ hội truyền thống Cúng thần lúa của đồng bào Êđê buôn T’lia – xã Hòa Phong được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh (Đắk Lắk) và huyện Krông Bông phục dựng lại đúng nghi thức truyền thống của đồng bào. Điều đáng ghi nhận nhất trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống ở Krông Bông chính là sự “sống lại” của cồng chiêng. Trước đây, do đời sống kinh tế khó khăn, một số bà con đã bán đi rất nhiều cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống, khiến cho không gian cồng chiêng bị thu hẹp, các nghệ nhân lão làng cũng không mấy mặn mà với việc diễn tấu và lưu truyền lại cho con cháu. Tuy nhiên, ngành Văn hóa huyện đã đem đến một “sức sống” mới cho cồng chiêng của đồng bào, đặc biệt từ 2007 đến nay, huyện đã tổ chức gần 20 lớp dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên 14 – 25 tuổi ở các buôn, đến nay đã có 20 đội chiêng trẻ biểu diễn thành thạo cồng chiêng, trong đó có những đội sinh hoạt thường xuyên.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đã giữ được cái hồn của văn hóa bản địa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Bên cạnh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như: hang đá Dak Tuar (xã Cư Pui), cây đa giao liên T50 (xã Hòa Phong), thác Krông Kmar, Vườn Quốc gia Cư Yang Sin… cũng tạo thêm sự phong phú cho văn hóa địa phương. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Bông cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở địa phương vẫn gặp không ít khó khăn do kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, đội ngũ nghiên cứu và quản lý văn hóa còn mỏng, năng lực chưa cao, nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế dẫn đến tình trạng thất thoát các cổ vật cũng như làm mai một một số lễ nghi truyền thống…