Ninh Thuận được biết đến như một vùng đất đầy nắng và gió, được hình thành như một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, núi đồi và biển cả tạo nên những thắng cảnh tuyệt đẹp như: đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy, núi Chúa, Bình Tiên, bãi biển Ninh Chữ, Cà Ná với những bãi cát dài thơ mộng, những tháp Chàm cổ kính, được tô điểm bởi những cụm hoa xương rồng, cùng với những hàng dương cong mình trước gió.
Khai thác lợi thế này, Ninh Thuận tập trung đầu tư, phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú như du lịch biển gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, quảng bá với du khách gần xa những thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, còn tụt hậu so với các tỉnh trong vùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại xác nhận: chất lượng dịch vụ của Ninh Thuận còn ở mức kém, dẫn đến mức độ hài lòng của khách khi đến Ninh Thuận kém hơn so với các tỉnh phát triển trong khu vực. Nguyên nhân khiến du lịch Ninh Thuận chậm phát triển là do cơ sở lưu trú phân bố không đều, quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ không cao; các cơ sở ăn uống phục vụ thiếu chuyên nghiệp; các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí còn hạn chế; hạ tầng giao thông còn kém; đội ngũ nhân viên phục vụ còn yếu về kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ; sản phẩm du lịch quá nghèo nàn; công tác quy hoạch, bố trí các loại hình kinh doanh dịch vụ chưa đảm bảo yêu cầu. Vấn đề khá nan giải mà Ninh Thuận đang gặp phải đó là thực trạng thiếu cơ sở vật chất. Do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch nên rất khó thu hút du khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Trong khi đó, việc kêu gọi các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách đến không nhiều.
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, trong số các giải pháp quan trọng mà cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai thực hiện như xây dựng qui hoạch du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung quảng bá xúc tiến du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao gắn với thu hút khách du lịch thì việc tự nâng cao chất lượng dịch vụ của chính đơn vị kinh doanh du lịch và việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp với nhà nước là những yếu tố then chốt, mang tính chiến lược lâu dài...
Tại nhiều địa điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch chủ động nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức nhiều chương trình vui chơi, giải trí lành mạnh gắn với giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, bước đầu đã thu hút được khách tham quan, nghỉ dưỡng. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường giải pháp xúc tiến đầu tư các dự án lớn để phát triển sản phẩm du lịch cao cấp; nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; phát triển giao thông và các cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí; đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực làm du lịch; liên kết nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân; tổ chức, vận động nhân dân bảo vệ môi trường, thu gom, thu phí rác và xử phạt vi phạm bảo vệ môi trường.
Du lịch của tỉnh Ninh Thuận hiện vẫn còn sơ khai, đây cũng là cơ hội để tỉnh quy hoạch và phát triển du lịch một cách bài bản. Việc Ninh Thuận chuẩn bị xây 2 nhà máy điện hạt nhân sẽ là cơ hội phát triển rất lớn cho tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới các nhà đầu tư có nhiều khả năng chọn lựa đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch. Tỉnh cần chú trọng quảng bá, mời gọi các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án du lịch cao cấp trọng điểm; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương; tập trung tháo gỡ giải phóng mặt bằng; đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp, các ngành và nhân dân địa phương cùng chung tay phát triển du lịch.