Vừa qua, Hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần đầu tiên về kiến trúc gỗ truyền thống trong việc bảo tồn các công trình kiến trúc của hệ thống di tích Cố đô Huế hiện nay đã diễn ra tại thành phố Huế.
|
Các chuyên gia tham quan công trình trùng tu điện Long Đức-Hoàng thành Huế |
Hội thảo do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Viện Di sản Đại học Waseda (Nhật Bản) phối hợp với Hiệp hội kiến trúc Nhật Bản tổ chức.
Kiến trúc gỗ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kiến trúc di tích Cố đô Huế. Từ lâu, đây đã là một đề tài luôn được đặt ra đối với các nhà nghiên cứu trong việc bảo tồn văn hóa vật thể ở đây. Việc hiểu rõ vật liệu, phương pháp chế tác, kết cấu và những tác nhân ảnh hưởng đến công trình kiến trúc bằng gỗ là cơ sở quan trọng trong công tác bảo tồn và trùng tu di tích.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý cùng trao đổi, thảo luận về kiến trúc gỗ truyền thống của Việt Nam-Nhật Bản và những nét tương đồng.
Hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra phương án bảo tồn, bảo quản các công trình kiến trúc gỗ, trong điều kiện khu di sản Huế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiện tại, Đại học Waseda đang phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu trùng tu Điện Cần Chánh, công trình kiến trúc bằng gỗ, với kinh phí khoảng 10 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA.