Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi nhiều bãi biển đẹp, vịnh nước sâu..., là điều kiện lý tưởng cho phát triển du lịch, cảng biển và đánh bắt thủy sản, góp phần làm nên thương hiệu “biển Đà Nẵng”.
Tiềm năng lớn
Đà Nẵng được biết đến với những bãi tắm đẹp kéo dài từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước, thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, quanh bán đảo Sơn Trà còn có những bãi san hô lớn. Đây là nguồn tài nguyên để phát triển các loại hình du lịch sinh thái như lặn biển ngắm san hô, câu cá cùng ngư dân… Du lịch biển không những là một ngành kinh tế mũi nhọn đối với Đà Nẵng, mà còn là phương tiện để mở rộng giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế, góp phần làm cho hình ảnh của thành phố rõ nét hơn trên bản đồ thế giới. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có vùng lãnh hải lớn với ngư trường rộng, nhiều động vật biển phong phú… tạo điều kiện cho việc phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển nhằm khai thác, chế biến và xuất khẩu nguồn lợi thủy sản. Không những thế, không gian mặt biển, địa hình của vịnh Đà Nẵng cho phép phát triển đa dạng hệ thống cảng biển Đà Nẵng như cảng du lịch, cảng trung chuyển, cảng dịch vụ vận tải biển… Và vì thế, trong chiến lược phát triển kinh tế, Đà Nẵng cũng đã xác định phát triển kinh tế biển, trong đó có dịch vụ cảng biển là ngành kinh tế mũi nhọn.
Xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững
Với những tiềm năng sẵn có, biển Đà Nẵng có cơ hội tạo dựng thương hiệu đa ngành, đa mục tiêu. Tuy vậy, việc khai thác, sử dụng và quản lý biển ở thành phố thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì vậy, để phát triển theo hướng bền vững và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, cần xây dựng được thương hiệu “biển Đà Nẵng”, có như vậy, việc khai thác tiềm năng biển mới đạt hiệu quả.
Tại khóa tập huấn phổ biến kiến thức về Thương hiệu biển tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11/2012, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (Trung tâm Nghiên cứu biển và hải đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế biển nước ta hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm kinh tế biển chưa có sức cạnh tranh cao và chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế là do chúng ta chưa xây dựng được hình ảnh một “Việt Nam biển” xứng tầm. Bởi vậy, xây dựng thương hiệu biển cần sự hội tụ và quá trình kết hợp nỗ lực của nhiều đối tượng tham gia, trong đó có các ngành tài nguyên-môi trường, du lịch, văn hóa… Và đặc biệt hơn, sự hợp tác mới là chất “kết dính” quan trọng để xây dựng thương hiệu biển.
Tuy vậy, xây dựng thương hiệu biển là một vấn đề còn khá mới. Các địa phương có biển đang loay hoay là làm sao để xây dựng được những sản phẩm mang thương hiệu biển địa phương và xây dựng thương hiệu tổng hợp của chính địa phương gắn với đặc tính “biển”. Vì vậy, đưa ra những hình ảnh, thông điệp về biển một cách mạnh mẽ, ấn tượng, đó sẽ là phương pháp tốt làm thay đổi nhận thức của người dân về biển và tạo ra sự hấp dẫn trước các nhà đầu tư. Bà Phạm Thị Chín, Chi cục phó Chi cục Biển và Hải đảo Đà Nẵng (Sở Tài nguyên-Môi trường) cho rằng: Đà Nẵng khác với những địa phương có biển khác. Thương hiệu biển Đà Nẵng được hiểu là sự thống nhất trong quản lý, bảo vệ và phát triển vùng bờ biển. Những năm qua, thành phố đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình để phục vụ phát triển du lịch biển. Vì vậy, sự phát triển của thành phố cũng đồng nghĩa với sự phát triển kinh tế gắn liền với biển. Phát triển kinh tế biển và giữ vững môi trường vùng bờ biển là đã tạo nên thương hiệu biển Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại có đóng góp không nhỏ từ biển. Vì vậy, cũng theo bà Chín, để phát triển bền vững kinh tế biển, thời gian tới, thành phố cần tập trung hơn nữa cho việc phát triển kinh tế hàng hải, du lịch biển và kinh tế thủy sản, đồng thời hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển thương hiệu biển kết hợp với bảo vệ môi trường biển… Ngoài sự nỗ lực của các ban, ngành liên quan, cần có sự đóng góp của cộng đồng cư dân ven biển, trên các đảo, bởi nếu được đào tạo, họ sẽ trở thành những “đại sứ” tiếp thị cho thương hiệu biển Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè trong và ngoài nước.