Ngày 5/12, tại tỉnh Kon Tum, đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch lần thứ 7 khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Hơn 400 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã ghi nhận nỗ lực của ba nước trong việc duy trì sự phát triển kinh tế ổn định trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Các hợp tác đầu tư giữa ba nước vẫn diễn ra sôi động.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với hai nước trong năm 2012 ước đạt hơn 4 tỷ USD. Trong đó, Lào và Campuchia là hai địa bàn đầu tư lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Hai nước này hiện chiếm trên 50% tổng số dự án và tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Theo số liệu của các nước, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 50 dự án với gần 1,7 tỷ USD, vào Campuchia có 25 dự án với gần 1,5 tỷ USD. Tại khu vực tam giác phát triển đã hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su… với diện tích hàng trăm nghìn hécta và đang được các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực đã thực sự mang lại diện mạo mới cho toàn vùng.
Tuy vậy, ở khu vực tam giác phát triển hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, gây cản trở cho sự phát triển của toàn khu vực. Bà Phạm Thị Hồng Thanh, phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương Việt Nam) cho biết, vẫn còn nhiều chính sách, quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp như quy định về xe vận chuyển hàng hóa, tuyến đường đi, quy định vốn vay.
Hiện tại, việc vận chuyển hàng hóa vẫn chưa thể đi thẳng (vì mỗi bên quy định trọng tải riêng nên phải hạ tải khi qua các nước) đã làm tăng thời gian và phức tạp cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng đông lạnh, hoa quả tươi. Ngoài ra, các sản phẩm của khu vực thiếu sự đa dạng, nhu cầu tiêu dùng thấp, tính chất tự cung tự cấp còn nhiều.
Không những vậy, ông Youn Heng - Trợ lý Thủ tướng, Vụ trưởng Vụ Ưu đãi và đánh giá dự án Hội đồng phát triển Campuchia cũng thừa nhận vấn đề điện năng đang là lời giải khó khăn cho Chính phủ nước này cũng như các doanh nghiệp khi đầu tư vào đây. Tuy vậy, ông khẳng định Campuchia sẽ tăng cường đầu tư vào thủy điện, nhiệt điện (với khoảng 1.000 MWh) cũng như đầu tư hệ thống truyền tải điện trong tương lai…
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào Lào của các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm nguồn lao động khi bước vào mùa vụ. Việc thông thương giữa thành phố Hồ Chí Minh với Champasak hiện còn nhiều trở ngại vì quá xa (800km qua cửa khẩu Bờ Y-Kon Tum).
Trong khi đó, giao dịch thương mại giữa Campuchia và Lào còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng tiềm năng của mỗi bên… Bên cạnh đó, chương trình kết nối, thông thương liên vận về người, hàng hóa giữa các nước qua tuyến đường 13 từ Nam Lào qua Đông bắc Campuchia và các tỉnh phía Nam vẫn còn chậm.
Để khai thác hết tiềm năng trong vùng, theo ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam khẳng định, các bên cần nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Các bên cần đẩy mạnh và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ Quy hoạch tổng thể khu Tam giác phát triển đã được lãnh đạo Chính phủ ba nước thông qua.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; các chính sách liên quan đến thuế, hải quan, lao động cũng như các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động cấp phép đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (có 13 tỉnh) là khu vực ngã ba biên giới của ba nước. Sáng kiến thành lập tam giác phát triển là của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đưa ra tại cuộc gặp cấp cao ba Thủ tướng tại Viên Chăn vào năm 1999, với mục tiêu tăng cường đoàn kết, hợp tác ba nước nhằm phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định an ninh của ba nước.