Khánh Hòa là một trong những mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch nhưng lại thiếu những ngành phụ trợ cho du lịch. Trong khi đó, nhiều làng nghề có thể đáp ứng được yêu cầu này lại đang đứng trước những khó khăn thách do sự biến động kinh tế thị trường, đầu ra cho sản phẩm.
Chính vì vậy trong thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện chủ trương hỗ trợ các làng nghề, tổ chức sản xuất phát triển tiểu thủ công nghiệp. Với mục đích chính là đưa các làng nghề phát triển song hành với ngành du lịch, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm cho ngành du lịch. Đây được coi là hướng đi hoàn toàn phù hợp trong điều kiện các sản phẩm du lịch trong tỉnh đang trở nên đơn điệu với du khách.
Tận dụng nguồn nguyên liệu thải ra từ ngành thủy sản, cơ sở sản xuất ốc mỹ nghệ ở xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang đã đầu tư sản xuất các mặt hàng ốc mỹ nghệ. Với quy mô vừa phải, khoảng từ 40 đến 60 lao động, cơ sở đang hoạt động ổn định với doanh thu mỗi năm vài trăm triệu đồng. Các sản phẩm được gia công tinh xảo, có giá trị kinh tế đã được thị trường chấp nhận, vì thế cơ sở đã trở thành đầu mối cung cấp chính cho nhiều cửa hàng mỹ nghệ ở thành phố Nha Trang để bán cho khách du lịch và xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Chủ cơ sở sản xuất ốc mỹ nghệ xã Vĩnh Phương cho biết: "Mặt hàng này đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của du khách trong và ngoài nước, nhất là khách đến từ Thái Lan, Trung Quốc.
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 3.550 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở này tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như chế biến nông, lâm, thủy sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Mặc dù giá trị kinh tế không cao nhưng cũng đóng góp đáng kể cho công nghiệp Khánh Hòa. Với sự phát triển mạnh về du lịch, sự đa dạng, phong phú của các ngành nghề truyền thống, có thể nói đây là cơ hội để các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ở Khánh Hòa phát triển. Không chỉ góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và qua đó thu hút khách du lịch, việc phát triển các làng nghề gắn với du lịch còn là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn.
Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng giá bán không thể tăng vì phải cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất công nghiệp. Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Khánh Hòa đã có hướng hỗ trợ các cơ sở bằng các nguồn vốn khuyến công, giúp các cơ sở thay đổi công nghệ sản xuất, đưa các cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn kết các cơ sở sản xuất với hoạt động du lịch nhằm quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống.
Để đưa ngành thủ công mỹ nghệ trở thành ngành phụ trợ quan trọng cho du lịch, Khánh Hòa cần sớm lập dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 – 2020, trong đó cần có kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch gắn với làng nghề. Về phía các cở sở tiểu thủ công nghiệp, nên tổ chức, sắp xếp lại để phục vụ du lịch, trong đó cần tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng, có tính mỹ thuật, chú trọng khai thác triệt để những thế mạnh của ngành mỹ nghệ, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề trong tỉnh.